Bộ Công Thương nói gì về đề xuất giảm giá xăng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

NHVN 08:06 02/10/2021

Trước đề xuất giảm giảm giá xăng dầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới đây, Bộ Công Thương đã lên tiếng và có những xem xét phương án giảm giá xăng.

Cân nhắc giảm thuế để hạ giá xăng trong nước

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày 26/9 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức từ 10-30%.

Trả lời về vấn đề này tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 30/9, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, 9 tháng năm nay, CPI tăng 1,82%, mức rất thấp so với chỉ tiêu giao của Quốc hội là kiểm soát dưới 4%. Với con số này, bà Nga cho rằng có sự đóng góp của giá xăng dầu với mức chi phí hợp lý.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, nghiên cứu đề xuất của khối doanh nghiệp về việc giảm giá điện, giá xăng, bà Nga cho rằng, Bộ Công Thương đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường, nhất là thị trường thế giới, cùng với đó bám sát việc điều hành phối hợp với Bộ Tài chính, đưa ra nhận định đánh giá, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.

"Trong thời gian tới, có thể giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng khi các quốc gia dần dần mở cửa, tái sản xuất kinh doanh, du lịch. Việc giảm giá ở thị trường thế giới rất khó xảy ra”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nói và cho biết, đối với thị trường trong nước, ngoài việc tính toán nguồn cung ra, thì còn xem xét quỹ bình ổn. Đồng thời làm việc với Bộ Tài chính liên quan tới những xem xét về giảm thuế.

"Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan khác để làm sao điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp", bà Nga nhấn mạnh.

Bà Lê Việt Nga, phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thông tin về việc xem xét giảm giá xăng dầu. (Ảnh: P.TH)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, giá dầu thế giới sắp tới sẽ tăng chứ khó giảm. Tuy nhiên, ông Hải nhấn mạnh, đây mới chỉ là "nhận định về xu hướng", không ai có thể khẳng định chắc chắn được.

Nhận định này theo ông Hải được đưa ra dựa trên việc nghiên cứu xu hướng thường thấy vào dịp cuối năm, nhu cầu nguyên nhiên liệu hay tăng cao.

Theo ông Hải, năm nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, việc sản xuất kinh doanh trở lại, nền kinh tế hồi phục, nhu cầu về nguyên liệu nhiều hơn. Nhiều tổ chức cũng nhận định sẽ tăng vào cuối năm đối với các nguyên liệu, trong đó có xăng dầu.

Việc giá dầu tăng, ông Hải cho biết có tác động vừa tích cực vừa tiêu cực. Về mặt tích cực, giá dầu thô thế giới tăng thì sẽ giúp giá xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn, mang lại lợi ích cho ngân sách.

Song, ngược lại theo ông Hải, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu. Dầu thô tăng thì giá xăng dầu thành phẩm tăng, điều này lại ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Vậy nếu giá dầu tăng thì trong nước sản xuất thế nào, ông Hải cho biết, với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu ra tốt thì đương nhiên tăng cường sản xuất. Nhưng nếu sản xuất nhiều lên mà đầu ra không tốt sẽ gây tồn đọng, khó khăn. Vừa qua do tình hình thị trường, có lúc giảm 60-80%.

"Đây là bài toán mà doanh nghiệp phải tính toán kỹ, làm sao để tăng sản xuất nhưng phải giải phóng được lượng hàng mà mình sản xuất…", ông Hải nhận định.

Không tính chuyện tăng giá điện

Liên quan đến đề nghị này, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn, nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ, mặc dù nhiều yếu tố có tác động đến giá thành sản xuất điện song Bộ Công Thương không nghĩ đến chuyện sẽ tăng giá điện trong năm nay.

“Bộ Công Thương sẽ làm việc cụ thể, trực tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về vấn đề này. Bộ Công Thương với vai trò quản lý Nhà nước sẽ hết sức chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Khẳng định việc điều tiết giá điện hiện nay được thực hiện ngày càng minh bạch và rõ ràng, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, công tác điều hành giá bán điện trong thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định của Luật Điện lực. Cụ thể, theo Quyết định 24, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thực hiện theo cơ chế thị trường. Trong đó có các cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm và điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm.

Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan của các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện của tất cả các khâu trong ngành điện, bao gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, quản lý ngành. Đối với cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trong năm theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện.

“Trong thời gian qua, việc thực hiện điều chỉnh giá điện và giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành trên đã góp phần bảo đảm tài chính cho ngành điện, bảo đảm đầu tư, cũng như phát triển các công trình điện, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước”, ông Quang cho hay.

Trong năm 2021 và 2022, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh điện, biến động phụ tải hệ thống điện, cũng như các thông số đầu vào của tất cả các khâu như khâu truyền tải điện, quản lý ngành, để thực hiện giá điện theo đúng quy định về điều chỉnh giá bán điện theo quy định của Thủ tướng.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, mặc dù EVN cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng trên tinh thần tích cực chia sẻ với những khó khăn của các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các cơ sở cách ly, cơ sở y tế phòng chống dịch, EVN đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành để cho phép thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt trong các năm 2020 và 2021 với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xăng dầu vẫn lãi đậm nửa đầu năm 2021

Chiếm xấp xỉ 50% thị phần nội địa, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã chứng khoán PLX) là doanh nghiệp dẫn đầu tại Việt Nam về kinh doanh xăng dầu. Trong quý 2 vừa qua, Petrolimex lãi ròng sau thuế hơn 1.510 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp giải thích do từ đầu quý đến cuối quý giá dầu thế giới (WTI) tăng 25% lên 73,47 USD/thùng. Bên cạnh đó, chính sách phòng dịch Covid-19 có nhiều thay đổi theo hướng khoanh vùng, thay vì giãn cách xã hội trên toàn quốc như năm trước, nên hoạt động kinh doanh xăng dầu đem lại hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra một số công ty con, công ty liên kết kinh doanh nhiên liệu hàng không, hóa dầu, gas, bảo hiểm, ngân hàng có lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kết nửa đầu năm nay, Petrolimex đạt doanh thu hơn 84.880 tỷ đồng (+30% so với cùng kỳ năm trước), dẫn đầu doanh thu trong nhóm VN30 (30 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn trên sàn HoSE).

Nửa năm qua, Petrolimex lãi sau thuế cũng tăng vọt lên gần 2.250 tỷ đồng, vượt trội so với mức lỗ hơn 690 tỷ đồng hồi cùng kỳ năm trước, hoàn thành 81,6% kế hoạch cả năm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) - doanh nghiệp do đại gia xăng dầu miền Tây Mai Văn Huy làm chủ tịch - vẫn có doanh thu gần 2.958 tỷ đồng, lãi sau thuế 97 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và tăng tới 2.170% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Dầu khí Nam Sông Hậu đã hoàn thành gần 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Giải trình về kết quả kinh doanh trên, ông Huy cho biết: "Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu thế giới tăng liên tục trong 6 tháng đầu năm 2021".

Trải qua nửa năm kinh doanh, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt doanh thu thuần 48.908 tỷ đồng (+54%). Trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 4.236 tỷ đồng, thì giờ đã đổi chiều lãi sau thuế 3.580 tỷ đồng. Như vậy, BSR đạt 70% về doanh thu, hoàn thành gấp 4 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) cũng cho biết nửa đầu năm nay đã đón nhận kết quả kinh doanh tích cực, với doanh thu thuần hơn 3.400 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó mảng cốt lõi là dầu nhờn tăng trưởng tốt.

Chứng khoán SSI cho hay ở Hóa dầu Petrolimex, khoảng 70% sản lượng dầu nhờn được bán qua các cửa hàng của Petrolimex, dưới tác động tiêu cực từ chính sách giãn cách xã hội, doanh nghiệp đã chuyển một phần chi phí đầu vào tăng sang giá bán.

Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, trong khi Hóa dầu Petrolimex chỉ có thể chuyển một phần tăng giá cho người tiêu dùng do nhu cầu yếu và cạnh tranh gay gắt, nên tỉ suất lợi nhuận gộp của mảng dầu nhờn thu hẹp xuống 29% so với mức 33% của hồi nửa đầu năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp lãi ròng sau thuế 125 tỷ đồng (+55%), hoàn thành gần 83% kế hoạch năm. SSI dự tính, Hóa dầu Petrolimex đạt 7.260 tỷ đồng doanh thu (+30%) và 231 tỷ đồng lãi sau thuế (+56%) trong năm 2021.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/bo-cong-thuong-noi-gi-ve-de-xuat-giam-gia-xang-cua-boke-hoach-va-dau-tu.html

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương nói gì về đề xuất giảm giá xăng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư? tại chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành