Hạ lãi suất, tín dụng bị tác động thế nào?

TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP 17:59 08/08/2020

Theo đó, lãi suất áp dụng cho tiền gửi dự trữ bắt buộc và vượt dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 0,5% một năm.

Mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước giảm còn 0,8% một năm, tương đương mức giảm 0,2 điểm phần trăm.Động thái này ít nhiều ảnh hưởng tới lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay giảm từ 0,25% - 0,5%.7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,45% - thấp hơn nhiều so với mức 7,31% cùng kỳ. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thừa tiền, việc giảm lãi suất khi gửi tại Ngân hàng Nhà nước sẽ khuyến khích các nhà băng cung tiền ra thị trường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điểm nghẽn của tín dụng không nằm ở giảm lãi suất, mà vì doanh nghiệp khó đáp ứng được yêu cầu về tài sản đảm bảo hay kế hoạch kinh doanh khả thi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Theo các chuyên gia, hỗ trợ thanh khoản tức thì giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ là giải pháp thiết thực nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Phải thúc đẩy cho vay có một phần hỗ trợ lãi suất thông qua quỹ phát triển nhỏ và vừa, đồng thời khởi động lại quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động ở 28 địa phương nhưng không tốt trong thời gian vừa qua" - chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay.

Ông Lực cũng đề xuất, thời hạn cuối để doanh nghiệp nộp đơn gia hạn nộp thuế theo nghị định 41 của Chính phủ vừa kết thúc, cần sớm có hướng dẫn gia hạn, đồng thời rà soát thêm một số lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp tiếp tục được hỗ trợ.

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, nên nhu cầu vốn không có. Điều này đã ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng.

Thống kê báo cáo tài chính quý I/2020 của các ngân hàng cho thấy, một số nhà băng có tăng trưởng tín dụng âm như Eximbank (-3,8%), Saigonbank (-2,3%), VietinBank (-1,25%), BIDV (-1%).

Ngược lại, huy động vẫn tăng trưởng cao hơn. Cũng theo số liệu của NHNN, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng ước đạt khoảng 162.700 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 1.160 tỷ/ngày.

Trong khi cho vay, chỉ đạt đạt khoảng 108.200 tỷ, tương đương 773 tỷ mỗi ngày. Tại nhiều địa phương, có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay.

Những tín hiệu tích cực

Bên cạnh những ngân hàng còn đang gặp khó trong giải ngân, nhiều ngân hàng vẫn giữ được sự tăng trưởng tín dụng tốt. Ðơn cử như với Ngân hàng HDBank, đến cuối tháng 5, dư nợ riêng lẻ của ngân hàng đã tăng trưởng 8%. Hay như Ngân hàng Sacombank, gần sáu tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng xấp xỉ 6%.

Do hạn mức tín dụng của Sacombank được cấp đầu năm nay chỉ có 9%, cho nên ngân hàng đã trình xin NHNN nới room tín dụng lên 14% để có thêm dư địa cho vay trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.

Không chỉ Sacombank, HDBank, OCB cũng là một trong những ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được cho phép và đã nộp đơn xin NHNN xem xét nới room. Và việc các ngân hàng xin nới room hoặc giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao được nhìn nhận là hoàn toàn khả thi.

Bởi theo lý giải của Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB Nguyễn Ðình Tùng, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự thay đổi khi các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam. Khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ mạnh vào Việt Nam, một số ngành như công nghiệp, phụ trợ,… sẽ có cơ hội phát triển mạnh.

Theo đó, có thể tạo ra công ăn việc làm mới cho người lao động, phục hồi sức mua trong xã hội. "Với những tín hiệu tích cực, hy vọng rằng kinh tế hồi phục nhanh dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng theo. Có thể bước sang quý IV-2020, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng nhanh" - ông Nguyễn Ðình Tùng chia sẻ.

Ðồng tình với những quan điểm về dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới, bà Yun Liu - Chuyên gia kinh tế về thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu Ngân hàng HSBC cũng nêu quan điểm, mặc dù Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng GDP quý I so cùng kỳ thấp nhất trong lịch sử, nhưng trong quý II vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, gây ngạc nhiên cho thị trường với mức tăng trưởng dương.

Nhìn chung, Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự đoán trước đây nhờ vào thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19 sau khi mở lại nền kinh tế.

Từ đó, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 lên 3% từ mức 1,6% dự báo trước đó và giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2021 từ mức 9,1% xuống 8,5%.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS Cấn Văn Lực cũng nhận định nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi, song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn, dự kiến từ 9 đến 10%.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt mới đây cũng có bản tin phân tích, dự báo trong các tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng nhanh hơn sáu tháng đầu năm nhưng mức độ tăng cũng sẽ chỉ ở mức vừa phải. Tăng trưởng tín dụng cho cả năm được dự báo ở quanh mức 10%.

"Về mặt tích cực, tăng trưởng tín dụng đã tăng gần 1,3% trong 30 ngày qua. Ðiều này gia tăng hy vọng về việc giải ngân tín dụng đầy hứa hẹn nửa năm còn lại. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 dự kiến đạt 9 đến 10%" - các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra dự báo.

Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, những ngân hàng xin nâng room tín dụng đều được NHNN xem xét. Song mức nâng của các ngân hàng xin nới room tín dụng sẽ tuỳ thuộc vào năng lực tài chính, cơ cấu nguồn vốn của từng ngân hàng và phù hợp với định hướng bảo đảm an toàn hệ thống.

Theo đó, các ngân hàng phải bảo đảm cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay. Căn cứ theo phân loại các ngân hàng, NHNN sẽ nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp.

Thanh Hà

Bạn đang đọc bài viết Hạ lãi suất, tín dụng bị tác động thế nào? tại chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành