Sau 4 phiên chuyên đề, phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra vào chiều 17/12 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Vui mừng, tự hào với kết quả đạt được
Phát biểu dẫn đề, ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả khả quan trong năm 2022, nền kinh tế trong nước cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn thách thức cần có những quyết sách đúng đắn kịp thời, để đảm bảo phục hồi vững chắc nền kinh tế trên nền tảng tích cực đã được tích lũy trong những năm qua và tạo bước phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Theo ông Tuấn Anh, diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” được tổ chức trong thời điểm chuẩn bị bước sang năm 2023, là năm thứ 3 Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và 2021 - 2030.
“Kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 và phục hồi ngoạn mục cũng khẳng định chủ trương nhất quan của Đảng ta luôn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn lên hàng đầu trong suốt quá trình phát triển”, ông Tuấn Anh nêu rõ.
Song, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nêu rõ, dù vui mừng và tự hào với những kết quả đạt được nhưng cũng nhận thức được những khó khăn thách thức lớn đặt ra, thậm chí lớn hơn trước mà nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt.
Theo đó, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu tiên chỉ đạt 47,4 điểm, giảm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm sau 13 tháng liên tiếp ở mức cao. Hệ lụy là ở một số lĩnh vực người lao động đã bị mất việc làm.
Tỉ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây có những bước tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng. Giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng giao.
“Điều này tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực khá lớn của Nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế”, ông Tuấn Anh chỉ ra.
Cùng với đó, theo ông Tuấn Anh, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2023 cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine; lạm phát tiếp tục ở mức cao và xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước vẫn tiếp tục; giá dầu thô, khí đốt, một số hàng hóa cơ bản biến động khó lường;
Nguy cơ suy thoái kinh tế tại các nước đối tác lớn của Việt Nam được dự báo là đáng kể, thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nước thu hẹp; thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn.
“Có thể thấy kinh tế thế giới đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn khi phải cùng lúc đối mặt với 2 vấn đề rất khó giải quyết đó là suy giảm kinh tế đi liền với lạm phát tăng cao”, ông nhấn mạnh.
Thách thức gay gắt ổn định kinh tế vĩ mô
Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, những bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ... Điều này đang đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội trong nước; tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển cả trước mắt và dài hạn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải làm gì để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế để hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế… Tại Diễn đàn lần này, các nội dung trong chương trình được cân nhắc xây dựng, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược, dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tại phiên toàn thể, Trưởng ban Kinh tế Trung ương yêu cầu các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học tập trung vào phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh và các xu hướng lớn của thế giới và khu vực; làm rõ thêm xu hướng mất cân đối toàn cầu hiện nay đang đặt ra những cơ hội và thách thức gì cho kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tới.
Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức vượt qua những thách thức lớn mà các nền kinh tế hiện nay đang cùng phải đối mặt, đặc biệt là từ xu hướng kép vừa suy thoái vừa lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế ...
Tiếp đến, tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực chất những yếu tố căn bản nào đang đe dọa các nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam, những nguy cơ nào đối với các cân đối lớn của nền kinh tế; những nền tảng và sức mạnh nội tại cần phải phát huy, những dư địa chính sách và nguồn lực cần được khai thác, phát huy để phục vụ cho phát triển của 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn chủ yếu trong phát triển.
Và cuối cùng, dự báo các kịch bản phát triển, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam cả trong trước mắt 2023 và trong những năm tiếp theo.