Một số bộ, cơ quan Trung ương có trụ sở mới vẫn giữ trụ sở cũ

NHVN 10:16 25/07/2021

Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, một số bộ, cơ quan TW được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê.

Chiều 24/7, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc cho biết công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích; tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ; chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả KTXH, tạo nguồn thu cho NSNN và nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới một số trụ sở của các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Năm 2020, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.427 cơ sở nhà, đất và 01 phần diện tích của 01 cơ sở nhà, đất do 11 doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý; phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý 1.503 cơ sở nhà, đất, phê duyệt điều chỉnh phương án đối với 149 cơ sở nhà, đất của khối đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ở trung ương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Đến cuối năm 2020, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý 37.468 cơ sở nhà đất, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án đối với 28.182 cơ sở nhà, đất. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục vận hành có hiệu quả, đã tổng hợp thông tin về tài sản công của 109.578 đơn vị, chiếm 99% các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công (chưa gồm tài sản tại các đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Việt Nam ở nước ngoài); đã cập nhật thông tin của 06 loại tài sản với tổng nguyên giá trên 6,14 triệu tỷ đồng.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước thừa nhận, nguồn gốc nhà, đất công được hình thành qua nhiều giai đoạn, việc lưu giữ hồ sơ không đầy đủ, chưa được quan tâm nên bị thất lạc, ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp nhà, đất; một số quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn; công tác triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt chậm, do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính tại địa phương.

Công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, đạt dưới 50%, như: Ninh Thuận, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Kiên Giang, Quảng Trị, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa. Còn một số đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng tài sản công mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án (như: tại tỉnh Đồng Tháp còn 330 đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa có Đề án được phê duyệt).

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý, khai thác nhà ở công vụ, làm cơ sở sắp xếp lại, bố trí, sử dụng nhà công vụ cho các đối tượng đủ điều kiện sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm THTKCLP, nâng cao hiệu suất sử dụng nhà công vụ. Năm 2020, Bộ Xây dựng đã thông báo và tổ chức thu hồi 12 căn nhà công vụ của các đối tượng đã hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại hạn chế, như: tính kết nối trong việc bố trí, sử dụng nhà công vụ còn thấp, một số trường hợp phải đi thuê nhà thương mại trong khi quỹ nhà công vụ còn có thể bố trí được; việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, một số bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý; việc sắp xếp, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, đạt dưới 50%;

Chính phủ đã nêu trong báo cáo một số trường hợp phải đi thuê nhà thương mại trong khi quỹ nhà công vụ còn có thể bố trí được; việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê nhưng chưa nêu cụ thể các trường hợp này và giải pháp khắc phục.

Công tác triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt còn chậm.

Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm; việc phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu, chính quyền địa phương trong lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ chưa tốt, chậm, nhất là các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; việc xử lý các dự án yếu kém chậm, còn nhiều vướng mắc.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay là do khuôn khổ thể chế và công tác thực hiện còn bất cập nhưng Chính phủ chưa làm rõ trong báo cáo và đề ra giải pháp để tháo gỡ, khắc phục.

Huyền Châu/Theo Tài chính doanh nghiệp

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/mot-so-bo-co-quan-trung-uong-co-tru-so-moi-van-giu-tru-so-cu-d22821.html

Bạn đang đọc bài viết Một số bộ, cơ quan Trung ương có trụ sở mới vẫn giữ trụ sở cũ tại chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành