Cụ thể, trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV rất có thể sẽ nhiều vấn đề kinh tế nóng trong 6 tháng đầu năm được các đại biểu đem ra mổ xẻ. Ủy ban kinh tế đã đề cập đến loạt vấn đề, muốn Quốc hội làm rõ hơn.
Đầu tiên là cơn bão giá thép, không hề ổn định, có chiều hướng tăng mạnh trong quý 1, sau những phiên biến thiên giá liên tục thì thị trường trong nước mới dần ổn định trong những ngày gần đây.
Hệ lụy "dây chuyền" ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng - làm các đơn vị này điêu đứng trong suốt một thời gian và cả ngân sách nhà nước. Bởi thép là nguyên vật liệu quan trọng và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Báo cáo 2654/BC-UBKT14 đề nghị làm rõ tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép; nguyên nhân giá thép tăng nhanh trong thời gian ngắn, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp quản lý thuế để ngăn chặn, xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng này.
Nhiều vấn đề kinh tế, trong đó có giá thép cần được đem ra "mổ xẻ" trong kỳ họp sắp tới |
Tiếp theo là vấn đề CPI, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng qua tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do sức cầu trong nước yếu, nhưng trong hai tháng gần đây là 5 và 6 CPI lại tăng lần lượt 1,43% và 1,62% so với tháng 12/2020, tăng 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn rộng ra, mức tăng trên đang song hành cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới và trong nước có xu hướng tăng cao. Đã có những lo ngại xuất hiện về lạm phát có thể không thể kiềm chế trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó Ủy ban Kinh tế cũng nêu ra tình trạng dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản cao bất thường sẽ gây hại cho nền kinh tế vĩ mô. Điều này có liên hệ rất lớn vai trò của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc cho vay vốn, lãi suất vào các lĩnh vực trên.
Trong khi đó, vấn đề xuất nhập khẩu mất cân đối trong 6 tháng đầu năm cũng cần được làm rõ, Ủy ban kinh tế Quốc hội chỉ ra có nhiều dấu hiệu bất thường: Cụ thể, xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Hoa Kỳ gia tăng bất thường (tăng 42,6%) và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao nhất (tăng 53%).
Xuất khẩu mặt hàng sang các nước cao bất thường rất có thể dẫn đến các cuộc điều tra thương mại được khởi xướng từ chính quyền các quốc gia sở tại.Còn nhập khẩu liên tục tăng cao từ một số nước như Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến tính tranh và hoạt động sản xuất trong nước; ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nội địa cũng đã phản ánh tình trạng hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt xuất sang nước ngoài, nếu không làm chặt rất có thể sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của nước ta.
Do vậy, Ủy ban kinh tế đề nghị đánh giá rõ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Xem xét về công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường...
Tiếp tục làm rõ những tác động nếu đối tác áp thuế và thực hiện các biện pháp ngăn cản thương mại và việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.
Dịch Covid-19 xuất hiện trong thời gian vừa qua gây tác động rất lớn đến khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (như tình hình ở Bắc Ninh, Bắc Giang), hoạt động xuất khẩu bị tác động tiêu cực, cán cân thương mại đã quay lại tình trạng nhập siêu. Đây là một vấn đề cũng cần được bàn luận tại kỳ họp sắp tới.
Cuối cùng, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra những bất cập trong vấn đề logistic ở Việt Nam trong thời gian qua: Chi phí cao so với các nước khác, Nhân sự có trình độ và đào tạo cho ngành logistics vẫn còn thiếu, chi phí cơ sở hạ tầng và phí BOT cao. Đề nghị Chính phủ cung cấp số liệu, chỉ ra nguyên nhân cụ thể khiến thiếu hụt container, chi phí vận tải đường biển, hàng không đối với một số ngành hàng tăng cao so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19.
Theo Doanh nhân Việt Nam