Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022

NHVN 20:06 17/07/2021

Do những bất cập và hạn chế đang tồn tại, Chính phủ đề nghị Thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Luật Đất đai 2013 vẫn còn nhiều bất cập

Tờ trình nêu rõ, qua hơn 7 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Việc thu hồi giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng.

"Thực tế việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra.

Bên cạnh đó, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời", tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022.


Ngoài ra, việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân có những nơi còn khó khăn do chưa thực hiện đúng quy định. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất còn yếu kém và thiếu đồng bộ.

Quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng. Xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp.

Theo tờ trình của Chính phủ, những tồn tại hạn chế trên là do quan hệ quản lý, sử dụng đất đai có tính lịch sử, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần, trải qua nhiều thời kỳ nhưng không được giải quyết dứt điểm, đồng bộ nên khó khăn trong xử lý theo pháp luật tại thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đất đai còn bất cập, hạn chế; chưa đồng bộ, thống nhất với một số luật hiện hành như: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương…

Xu thế toàn cầu hóa cùng với việc Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư, đặt ra nhiều vấn đề mới, cấp bách nhưng chính sách pháp luật đất đai chưa kịp thể chế hoá; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.

Chính phủ cũng nêu rõ việc tổ chức thi hành pháp luật ở nhiều nơi còn chưa nghiêm, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật chưa thực sự có hiệu quả. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo cụ thể, sát sao và thường xuyên; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đất đai chưa được thực hiện tốt.

Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý, hệ thống thông tin đất đai chưa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước thống nhất về đất đai, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước; cơ sở vật chất trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu; cơ chế và nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu đề ra.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách

Với những bất cập, hạn chế đang tồn tại và nguy cơ phát sinh, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách trong Luật Đất đai 2013. Trong đó có việc làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.

Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất; Hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai;

Thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; Hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác;

Về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; Hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất.

Sau khi Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập đề nghị cuối tháng 6/2021, Chính phủ đã thảo luận, thông qua đề nghị xây dựng Luật này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Tờ trình, Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)

Theo Kinh tế môi trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/chinh-phu-de-nghi-sua-doi-luat-dat-dai-trong-nam-2022-57368.html

Bạn đang đọc bài viết Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022 tại chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành