Bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đặc điểm của sản phẩm này là phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm thật đơn giản, dễ hiểu.
Tại Việt Nam, hình thức bảo hiểm này được triển khai bởi cả một số doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức chính trị - xã hội, khởi đầu là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, từ năm 2008.
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh. Ảnh: Quochoi.vn |
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Quochoi.vn |
“Thua lỗ rất dễ xảy ra và không có khả năng bù đắp”. Ông Hiển nói và lưu ý các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta mang tính Nhà nước. Nếu xảy ra vấn đề gì thì Nhà nước phải gánh chịu. Ngay cả doanh nghiệp nhà nước còn phải cổ phần hóa, thì việc cho tổ chức chính trị - xã hội kinh doanh bảo hiểm là đi ngược lại với xu thế ấy.
“Nếu mà cho tất cả các tổ chức chính trị - xã hội làm thì phải báo cáo Bộ Chính trị chứ không đơn giản” - ông Hiển nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: quochoi.vn |
Đánh giá của các quan chức Quốc hội tại thời điểm này là như vậy, song thực tế, hình thức bảo hiểm vi mô dù được thử nghiệm từ 2008 nhưng tới năm 2014 mới có cơ sở pháp lý ban đầu cho phép thí điểm bằng một công văn của Văn phòng Chính phủ. Như thế thì "đơn giản quá" - ông Hiển nhận xét.
Đồng tình với ý kiến ấy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bình luận việc Chính phủ cho phép thí điểm bảo hiểm vi mô bằng công văn là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. “Nếu xảy ra rủi ro thì như thế nào, trách nhiệm ra sao? Chừng đó mới thấy sao liều lĩnh như thế!” - bà nói.
Được Thủ tướng giao báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo nghị định này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phân trần: “Lĩnh vực này, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không thiết tha vì không có lợi nhuận, rủi ro cao, phí thì thấp”.
Nay trước ý kiến của các thành viên cơ quan thường trực của Quốc hội, ông Dũng đồng ý “phải nhận thức lại vấn đề”.
“Điều kiện ban hành nghị định này đuối. Đuối về tổ chức bộ máy, đuối về chuyên môn nghiệp vụ, đuối về cơ sở vật chất và cuối cùng pháp lý” - ông Dũng nói, và thừa nhận một số ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội là chính xác.
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính vẫn kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho Chính phủ một “điểm tỳ pháp lý” để tổ chức triển khai thí điểm. Lý do là thực tiễn triển khai cho thấy bảo hiểm vi mô rất cần, đặc biệt là trong mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Chưa kể, xét về kinh nghiệm, thông lệ quốc tế thì hình thức bảo hiểm này vẫn phù hợp.
Kết luận nội dung làm việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Chính phủ chưa ban hành nghị định quy định bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội. Thay vào đó, Chính phủ cần rà soát thêm tính pháp lý và có quy định cụ thể để kiểm tra, kiểm soát việc thí điểm bảo hiểm vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
“Đề nghị khống chế số tỉnh đã làm, số sản phẩm đã triển khai, không mở rộng. Nếu triển khai thí điểm hiệu quả thì tiếp tục, không hiệu quả thì thu gọn và đi đến chấm dứt” - ông Hiển phát biểu, đồng thời nhấn mạnh có tiếp tục thí điểm hay không là do Chính phủ quyết định.
DỰ ÁN THÍ ĐIỂM BẢO HIỂM VI MÔ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện Dự án thí điểm bảo hiểm vi mô với tên gọi Dự án Quỹ Tương trợ để cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô cho thành viên của Hội, thông qua mạng lưới hoạt động của Tổ chức tài chính vi mô TNHH Một Thành viên Tình Thương (TYM). Năm 2014, bằng Công văn số 1981/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ ngày 25-3-2014, hình thức thí điểm này được triển khai, và sau đó gia hạn bằng Công văn số 1596/VPCP-KTTH ngày 14-3-2016, cũng của Văn phòng Chính phủ. Đến năm 2017, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Công văn số 10828/VPCP-KTTH ngày 12-10-2017, với nội dung gia hạn thí điểm đến khi một nghị định về bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị - xã hội chính thức ban hành tại. Trên các cơ sở pháp lý sơ sài này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thành lập Quỹ bảo hiểm vi mô trực thuộc, cung cấp hình thức bảo hiểm này tại 10 tỉnh, thành (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa và Nghệ An), với tổng cộng 18 chi nhánh, 40 phòng giao dịch... |
Theo PLO