Phát biểu trên được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đưa ra tại buổi làm việc giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025, sáng 23/8.
Theo Phó thủ tướng, TPHCM là địa phương có đóng góp GDP nhiều nhất cho cả nước; là thành phố lớn đứng thứ 18 thế giới, dân số đứng đầu cả nước, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước về tốc độ lẫn quy mô; GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, đến năm 2019 đạt 6.395 USD, gấp 1,25 lần năm 2015 và gấp 2,4 lần so với cả nước…
Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của TPHCM có chậm lại do nhiều nguyên nhân, trong khi Thành phố có nhiều ưu thế để phát triển mạnh mẽ hơn. Do đó, trong kế hoạch 5 năm tới, TPHCM cần nêu rõ vai trò đầu tàu của mình với việc tăng trưởng nhanh và bền vững, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính, có tầm nhìn dài hơi trong việc xây dựng các kế hoạch chiến lược đến năm 2030 và có các bước chuẩn bị tiếp theo.
Trong xây dựng kế hoạch 5 năm, cần có GDP mở bởi không chỉ bó hẹp trong TPHCM mà dựa vào GDP của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, liên kết với Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, cần sự kết nối giữa các địa phương, thúc đẩy động lực tăng trưởng, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là quan tâm đến tình hình đang diễn ra hiện nay như sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch bệnh COVID-19, xung đột thương mại nước lớn, biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của liên kết vùng, kết nối giao thông với vai trò trung tâm của TPHCM, xây dựng các đường vành đai, hạ tầng giao thông, tạo động lực không chỉ riêng Thành phố mà cho cả khu vực xung quanh.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị thời gian tới, TPHCM tiếp tục phát huy vài trò trung tâm kinh tế, tài chính quốc gia. Thành phố cần đi đầu cả nước triển khai các lĩnh vực mới như trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo có quy mô trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời có thể đề xuất đặt sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại đây, có chính sách thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.
Về chuyển đổi kinh tế số, thành phố cần có chiến lược phát triển hạ tầng viễn thông, internet và nhất là những thuận lợi mà thành phố đang có hiện nay. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm châu Á, kêu gọi và liên kết với các nhà đầu chiến lược bởi họ có nhu cầu lớn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với hàng nghìn kỹ sư, chuyên gia chất lượng cao…
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị trong điều kiện hiện nay, khi dòng vốn FDI đang chuyển dịch về Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng thì Thành phố cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hạ tầng giao thông, xây dựng, khu chế xuất, khu công nghiệp, hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực để thu hút nhà đầu tư, tạo ra tốc độ tăng trưởng cho Thành phố, đóng góp chung cho tăng trưởng của cả nước, xứng đáng là thành phố năng động, sáng tạo, đi đầu, là thành phố văn minh, nghĩa tình, có đóng góp lớn cho cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong xu thế vươn lên cạnh tranh toàn cầu, TPHCM cần mạnh dạn mở rộng tiếp cận quốc tế nhiều hơn nữa trong hoạch định chiến lược phát triển.
Thành phố cần đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, do đó, cần nâng tỷ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển lên 5-7% tổng chi ngân sách hoặc 2% GRDP của Thành phố trong 5 năm tới. Với tư cách là trung tâm của vùng thì TPHCM cũng nên dành ít nhất 5% nguồn lực, ngân sách, vốn tín dụng, đất đai để cùng các địa phương cùng vùng kinh tế trọng điểm giải bài toán phát triển vùng.
Thủ tướng bày tỏ ủng hộ 4 đề án đột phá của Thành phố, gồm: Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách Nhà nước cho TPHCM để Thành phố có “chiếc bánh ngân sách” lớn hơn; Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM; Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức (Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với TPHCM, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án, chú ý các yếu tố quy hoạch, huy động nguồn lực, phương thức quản lý, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định); Đề án phát triển trung tâm tài chính TPHCM (Thủ tướng đề nghị TPHCM và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động ảnh hưởng, đặc biệt lưu ý các điều kiện cần thiết, công cụ, phương pháp tổ chức quản lý, huy động nguồn lực quốc tế và trong nước để phát triển trung tâm tài chính TPHCM).