Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu: Thành quả nhiều, khó khăn không ít

NHVN 08:35 21/08/2020

Có thể khẳng định việc triển khai thực hiện Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”)...

Nhiều thành quả đáng ghi nhận

Nhìn lại khoảng thời gian hơn 3 năm triển khai Quyết định 1058 và Nghị quyết 42 của Quốc hội, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, về cơ bản, hệ thống các TCTD đã lành mạnh hơn rất nhiều, cả về vấn đề tăng vốn điều lệ, an toàn vốn, quản lý rủi ro, chất lượng tài sản, thanh khoản… Qua đó đã góp phần tích cực trong đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Cùng với đó, mức độ chuẩn hóa, tiệm cận thông lệ quốc tế cũng đã được nâng cao. Đã có khá nhiều ngân hàng được công nhận đáp ứng chuẩn Basel 2, trong đó có những ngân hàng đã đáp ứng được cả 3 trụ cột. Tiến trình xử lý nợ xấu cũng đã được thúc đẩy, qua đó giúp cho nợ xấu - cả nợ xấu gộp và nợ xấu nội bảng - đều giảm xuống. “Nợ xấu gộp cuối 2016 ở mức khoảng 10,5% nhưng đến thời điểm cuối năm 2019 chỉ còn khoảng 4,65% và quanh mức 4% hiện nay. Tất nhiên ở đây chưa bàn đến tác động của Covid-19 vì đại dịch này chắc chắn sẽ làm cho nợ xấu tăng lên trong thời gian tới”, TS. Lực nói.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng, khiến rủi ro nợ xấu tăng

Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến thể chế, khuôn khổ pháp luật cũng tiếp tục được hoàn thiện, như các hướng dẫn triển khai Nghị quyết 42 về cơ bản đã được ban hành; Luật Các TCTD sửa đổi cũng đã được Quốc hội thông qua (năm 2017); các văn bản, nghị định của Chính phủ hay Thông tư hướng dẫn của NHNN đã được ban hành nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh hơn.

Một thành quả khác không thể không nói tới là quá trình quản trị, điều hành các TCTD cũng được củng cố, tăng cường. “Biểu hiện rõ nhất chúng ta thấy là thực hiện theo Luật Các TCTD sửa đổi nên hiện nay không còn tình trạng chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng kiêm chủ tịch, tổng giám đốc các công ty ở những lĩnh vực khác”, TS. Lực dẫn chứng.

Covid-19 có thể làm chậm lộ trình, mục tiêu đặt ra

Tuy nhiên theo TS. Lực, thực tế nhìn lại cũng thấy rằng quá trình triển khai thực hiện Quyết định 1058 và Nghị quyết 42 còn những vấn đề chưa được so với mục tiêu và kỳ vọng đặt ra. Trong đó, nổi lên là tiến trình tái cơ cấu các TCTD trong một số khâu vẫn còn chậm, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt như vấn đề tăng vốn chủ sở hữu của các NHTM. “Đặc biệt dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 hiện nay thì hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục gặp phải khó khăn, nhất là những tháng cuối năm 2020, đầu 2021 khi tín dụng tăng chậm, nợ xấu có thể tăng nhanh, trong khi với tình hình thị trường chứng khoán biến động như hiện nay khiến quá trình tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng sẽ không dễ dàng”, TS. Lực nói.

Trong khi đó, tiến trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là khâu xử lý tài sản đảm bảo. “Vấn đề này đã phân tích rất nhiều về các nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân rất quan trọng là thiện chí của bên vay và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan chưa quyết liệt, chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết 42”, chuyên gia này nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng đánh giá, việc triển khai Quyết định 1058 và Nghị quyết 42 đến nay cơ bản mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nêu lên những tồn tại một số vấn đề về pháp lý cần tập trung tháo gỡ. “Xử lý nợ xấu đã không dễ dàng gì, giờ phát sinh thêm yếu tố mới là đại dịch Covid-19. Hiện nay, do chúng ta phải căng mình ra chống dịch, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, giúp DN cầm cự, phục hồi… Rõ ràng việc xử lý nợ xấu sẽ khiến tiến trình này khó khăn hơn”, TS. Thành nhận định.

Điều đó có nghĩa lộ trình xử lý nợ xấu theo mục tiêu đặt ra cũng gặp nhiều thách thức hơn; việc tái cơ cấu, xử lý các ngân hàng yếu kém cũng khó khăn hơn và trong bối cảnh khó khăn, thách thức như vậy thì việc thực hiện Basel 2 theo lộ trình đặt ra cũng sẽ không dễ dàng. “Chúng ta cần kiên trì với tái cấu trúc, cải cách hệ thống ngân hàng và hỗ trợ ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, trong điều kiện còn rất nhiều bất định phía trước và các khó khăn liên quan đến Covid-19 còn có thể kéo dài nên các mục tiêu, thời hạn đặt ra cần làm sao hợp lý, thực tế hơn”, TS. Thành khuyến nghị.

Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

3 năm thực hiện Nghị quyết 42, số nợ xấu được xử lý tăng gấp đôi

Theo báo cáo của Chính phủ lũy kế từ 15/8/2017 (ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 293.880 tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, số nợ xấu được xử lý đã tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước, góp phần tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu cho các ngân hàng.

Số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3.630 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn còn nhiều khó khăn.

Khó khăn thứ nhất là đến nay vẫn còn nhiều bộ, ngành và địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc hướng dẫn không cụ thể, nhận thức không đầy đủ trách nhiệm của mình, thậm chí không nhận thức đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 42. Chẳng hạn như về điều kiện chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án bất động sản, Nghị quyết quy định không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận. Nhưng nhiều trường hợp đã hiểu không đúng, vận dụng không đúng. Thực tế có nhiều trường hợp không căn cứ Nghị quyết mà lại căn cứ vào Luật Đất đai nên trong quá trình xử lý yêu cầu có Giấy chứng nhận khiến xử lý tài sản đảm bảo khó khăn.

Một khó khăn, khiếm khuyết nữa là công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương với TCTD. Nếu trách nhiệm cao hơn, phối hợp tích cực hơn thì sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, một số TCTD cũng chưa thực sự chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, như công an, địa phương, cơ quan thi hành án… để họ cùng phối hợp.

Thêm khó khăn thách thức mới là dịch Covid-19 có nguy cơ khiến nợ xấu sẽ tăng rất nhanh.

Để làm tốt công tác xử lý nợ xấu thì cần nhiều nỗ lực mới. Trong đó phải bám theo quan điểm xuyên suốt của việc tái cơ cấu thời gian qua cũng như sắp tới là chúng ta phải nâng cao được năng lực của các TCTD, đặc biệt là năng lực quản trị, năng lực tài chính. Nếu không có năng lực quản trị tốt thì không thể kiểm soát tốt hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng cũng cần giảm tối đa chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ DN tốt hơn.

Với tình hình kinh tế hiện nay, DN lao đao, nợ xấu tăng là chắc chắn. Vậy để xử lý nợ xấu hiệu quả một cách bền vững thì vấn đề căn cốt là hỗ trợ để DN phát triển. DN phải sống và sống khỏe thì việc xử lý nợ xấu mới thuận lợi. Đây là gốc của vấn đề, là bài toán kinh tế - xã hội tổng thể.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/tai-co-cau-va-xu-ly-no-xau-thanh-qua-nhieu-kho-khan-khong-it-105526.html

Bạn đang đọc bài viết Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu: Thành quả nhiều, khó khăn không ít tại chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành