Kiểm toán nhà nước: Nhiều bất cập trong việc giải ngân vốn đầu tư công

NHVN 09:01 23/08/2021

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chính thức công khai kết quả kiểm toán năm 2020. Trong đó, nhiều bất cập trong công tác giải ngân vốn dự án đầu tư công đã được chỉ ra

Theo Kiểm toàn nhà nước, trong năm 2020, dự toán chi Ngân sách nhà nước (NSNN) 1.633.300 tỷ đồng, quyết toán 1.526.892 tỷ đồng, bằng 93,5% dự toán (giảm 106.407 tỷ đồng). Tình hình thực hiện như sau: Chi đầu tư phát triển Dự toán 429.300 tỷ đồng, quyết toán 420.779 tỷ đồng, bằng 98% so với dự toán, chiếm 27,56% tổng quyết toán chi NSNN theo dự toán Quốc hội giao (420.779/1.526.893 tỷ đồng), bằng 7,0% GDP, gồm: Ngân sách Trung ương: 65.751 tỷ đồng, đạt 60% so với dự toán128; Ngân sách địa phương: 355.028 tỷ đồng, bằng 111% so với dự toán nhờ nguồn năm trước chuyển sang theo quy định; Chi bổ sung dự trữ quốc gia quyết toán 1.701 tỷ đồng, bằng 154% so với dự toán nhờ được bổ sung từ nguồn dự phòng NSTW và từ nguồn năm trước chuyển sang để mua bù hàng dự trữ quốc gia theo quy định.

Thông tin từ Bộ KH&ĐT, trong năm 2019 có 1.878 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,7% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ (gồm có 49 dự án nhóm A, 502 dự án nhóm B, 1.327 dự án nhóm C). Trong đó, có 1.267 dự án chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, 337 dự án chậm do thủ tục đầu tư, 248 dự án chậm tiến độ do bố trí vốn không kịp thời, 157 dự án chậm do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu và 545 dự án chậm do các nguyên nhân khác. Ngoài ra, qua kiểm toán chi tiết các dự án đầu tư cũng cho thấy tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm tuy nhiên chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa làm rõ nguyên nhân để xử lý.

Kiếm toán nhà nước cũng nhận định về công tác nghiệm thu, thanh toán còn sai khối lượng, đơn giá, định mức, bù giá thiếu cơ sở hoặc chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ còn diễn ra tại nhiều dự án được kiểm toán chi tiết; chậm điều chỉnh đơn giá hợp đồng; đơn giá thanh toán không đúng thực tế thi công; thanh toán vượt cơ cấu Tổng mức đầu tư; tạm ứng sai, chậm hoặc thu hồi chưa đúng quy định; nhiều dự án, gói thầu chậm hoặc chưa xuất hóa đơn GTGT khối lượng đã nghiệm thu.

Nhiều bất cập được Kiểm toán nhà nước nêu rõ trong năm 2020

Ngoài ra, qua kiểm toán một số dự án sử dụng vốn ODA cho thấy: Hiệp định quy định vay vốn còn có điều khoản làm hạn chế sự tham gia của những nhà thầu có năng lực trong nước. UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Chủ dự án khi chưa có thông báo chính thức danh mục tài trợ; phê duyệt dự án không cụ thể cơ cấu nguồn vốn; không xem xét sự kết nối giữa với dự án khác, dẫn tới trong quá trình thi công phải cắt giảm hạng mục, ảnh đến tiến độ của dự án; phê duyệt nguồn vốn đối ứng từ NSNN chưa phù hợp. Tổng mức đầu tư lập thiếu chính xác và bao gồm một số chi phí có tính chất chi thường xuyên sử dụng vốn vay chưa phù hợp quy định; nghiệm thu, bàn giao công trình khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định; hạch toán chưa đúng quy định tỷ lệ giải ngân thấp; ký thỏa thuận vay lại chậm; chưa thực hiện ghi thu - ghi chi theo quy định. Tổ chấm thầu gói thầu xây lắp chỉnh sửa khối lượng, đơn giá trong Hồ sơ thầu không phù hợp với Hồ sơ mời thầu làm tăng giá trị gói thầu; tiến độ thực hiện dự án hệ thống cấp thoát nước đô thị huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chậm 8 năm so với quyết định phê duyệt ban đầu.

Về nợ đọng Xây dựng cơ bản: Theo báo cáo, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí để thanh toán nợ XDCB nguồn vốn NSTW là 9.868,848 tỷ đồng; số đã phân bổ đến 31/12/2019 là 6.885,87 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Báo cáo số 533/BC-CP ngày 17/10/2020 về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thì kế hoạch đầu tư công hằng năm từ năm 2016-2020 đã bố trí đủ vốn NSTW cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSTW đến hết ngày 31/12/2014 là 7.481,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kết quả kiểm toán cho thấy đến ngày 31/12/2019, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn nợ đọng XDCB với giá trị lớn, thậm chí một số địa phương, dự án còn để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Về tình hình quyết toán dự án hoàn thành: Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính (chưa bao gồm 18 đơn vị chưa báo cáo), số dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán trong năm 2019 là 66.265 dự án, bằng 70% tổng số dự án hoàn thành. Giá trị quyết toán giảm 3.594 tỷ đồng, bằng 0,46% tổng giá trị đề nghị quyết toán; 10.217 dự án hoàn thành nộp báo cáo quyết toán nhưng chưa phê duyệt (trong đó 7.665 dự án đã nộp và còn trong thời hạn thẩm tra; 2.552 dự án chậm phê duyệt quyết toán); 18.822 dự án chưa nộp báo cáo quyết toán; 10.021 dự án vi phạm thời gian quyết toán, chiếm 10,5% dự án hoàn thành (trong đó có 719 dự án vi phạm thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán trên 24 tháng).

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/kiem-toan-nha-nuoc-nhieu-bat-cap-trong-viec-giai-ngan-von--36731.html

Bạn đang đọc bài viết Kiểm toán nhà nước: Nhiều bất cập trong việc giải ngân vốn đầu tư công tại chuyên mục Điều hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Điều hành