Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng làm việc với Giám đốc Quốc gia ADBThống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp Chủ tịch Tập đoàn HSBC |
Qua chia sẻ của đại biểu và báo cáo của NHNN, Bộ Xây dựng, có thể cho rằng cung - cầu thị trường BĐS đang mất cân đối lớn. Nguồn cung chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp. Phân khúc cấp thấp phục vụ cho người dân thu nhập thấp còn hạn chế. Theo tổng hợp của đơn vị chức năng NHNN và Bộ Xây dựng thì gần như những căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít.
Nếu muốn phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững đòi hỏi phải có giải pháp về phía cung theo hướng chính sách tăng cung nhà ở xã hội. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt Bộ Xây dựng làm đầu mối phối hợp với các địa phương có nhiều giải pháp, chương trình triển khai. Phía NHNN sẽ phối hợp tích cực với Bộ Xây dựng về vấn đề này.
Hiện cầu vay mua nhà của người có thu nhập thấp hay tư nhân đang rất thấp. Thu nhập của công nhân thấp, nhất là sau đại dịch Covid-19 càng khó khăn. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, 50% nhu cầu nhà ở không thể chuyển sang nhu cầu đi vay. Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở rất lớn, nhưng nhu cầu vay lại khác vì có người có nhu cầu nhà ở nhưng không đủ điều kiện đi vay do thu nhập thấp.
Đối với những nhu cầu này phải được giải quyết bằng các cơ chế, chính sách khác. Sắp tới đây, Luật Nhà ở đã có tháo gỡ khó khăn, vướng mắc qua việc gỡ các tiêu chí, điều kiện cho phép các doanh nghiệp mua nhà để cho công nhân ở… Điều này tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ nhà ở cho người dân, không nhất thiết phải qua việc người dân, công nhân đi vay mua nhà.
Bên cạnh đó, muốn cầu mua nhà tăng trở lại thì phải giải quyết niềm tin của nhà đầu tư. Nếu yếu tố pháp lý giải quyết được thì nhà đầu tư mới yên tâm khi mua nhà, thuận lợi trong việc chuyển nhượng. Ngoài ra, tính minh bạch của các dự án hay vấn đề về giá cũng có thể khuyến khích cầu đầu tư vào nhà ở.
Để tháo gỡ khó khăn trên, các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu, nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội; hay các vấn đề giải ngân, cấp tín dụng, giải pháp về tín dụng, lãi suất…
Về phía các doanh nghiệp, tập đoàn, cần phải theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33. Doanh nghiệp phải quản trị hoạt động, cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận, cơ cấu sản phẩm, cân nhắc giảm giá bán… kết hợp cùng với các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương sẽ khuyến khích được nhu cầu đầu tư của thị trường này.
Đối với điều hành tín dụng, NHNN cũng đã điều hành linh hoạt, đề nghị TCTD cân đối nguồn vốn, tiếp tục cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Hạn mức tín dụng của các doanh nghiệp cũng cần rà soát để khuyến khích các doanh nghiệp hiệu quả. Đương nhiên, TCTD khi cho vay dài hạn phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn.
Về quy trình thủ tục, các doanh nghiệp phản ánh còn phức tạp, thời gian thẩm định còn kéo dài. Bản thân các TCTD cũng có ý kiến giải thích, nhưng đề nghị TCTD xem xét, rà soát rút ngắn thời gian phê duyệt tín dụng; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp BĐS phải minh bạch trong hoạt động, hợp tác với TCTD để có sự thống nhất.
Đối với lãi suất, doanh nghiệp bao giờ cũng mong muốn lãi suất tiếp tục giảm. Thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay mới đã giảm 2%/năm, về mặt bằng trước thời điểm Covid-19, là sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng. Còn lãi suất các khoản cho vay cũ cần phải theo các kỳ hạn của người gửi tiền. Ngân hàng huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn, tuân thủ quy định về giới hạn an toàn là rất quan trọng. Sự đổ vỡ của các ngân hàng ở Mỹ vừa qua cho thấy các ngân hàng cần đặc biệt lưu ý điểm này. Có như vậy mới giữ ổn định cho nền kinh tế, vì nếu hệ thống ngân hàng chao đảo thì doanh nghiệp cũng không có một môi trường bền vững để hoạt động.
Về phần mình, NHNN vẫn tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ để có thể tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp uy tín, tín nhiệm để vay vốn.
Đối với tài sản đảm bảo, đây là vấn đề do TCTD và khách hàng thỏa thuận, không có quy định bắt buộc, quan trọng nhất là dựa vào tính khả thi của dự án. Do đó, bản thân các doanh nghiệp khi vay vốn thì việc chứng minh dự án khả thi, chứng minh dòng tiền vào tài sản trả nợ là rất quan trọng. Các đơn vị trong hệ thống ngân hàng cần tích cực và quyết liệt hơn nữa, đồng hành, phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
NHNN sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tại Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu xử lý tháo gỡ những khó khăn cấp bách trước mắt nhưng vẫn phải thực hiện các giải pháp căn cơ về trung và dài hạn. Có như vậy mới phát triển được thị trường BĐS an toàn, lành mạnh và bền vững.