Tại hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, sau 2 năm triển khai Quyết định số 1813 năm 2021 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, các chỉ tiêu, kết quả về thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được rất ấn tượng.
Đó là tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 75%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có ngay kết quả. Đồng thời, nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận, sử dụng…
Agribank đang thử nghiệm và sẽ triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động giao dịch. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN |
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).
Theo đó, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác đã được Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu, triển khai.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực và chủ động trong việc phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành khác triển khai hiệu quả Đề án 06. Cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai các nội dung của Đề án này với 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể để phục vụ cho việc làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng. Đến nay đã hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỷ lệ hơn 83%).
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Xác định rõ vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu, định hướng của Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Quán triệt chủ trương của ngành ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đang thử nghiệm và sẽ triển khai theo lộ trình ứng dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip vào hoạt động giao dịch.
Bên cạnh mô hình Ngân hàng số (Agribank Digital) đang triển khai, hiện Agribank đang thử nghiệm ứng dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip vào hoạt động giao dịch. Với hình thức này, khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất 1 chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay. Việc mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao do thông tin khách hàng được hệ thống “đọc” qua chip và được xác thực trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân của Bộ Công an.
Trước đây, với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20-25 phút, nay khách hàng chỉ mất từ 4-5 phút để hoàn tất giao dịch nếu sử dụng thiết bị đọc và xác thực thông tin CCCD và các phần mềm hỗ trợ liên quan. Hơn nữa, các khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học, lần sau có thể giao dịch tại quầy hoặc tại Agribank Digital/CDM... mà không cần dùng thẻ vật lý hay bất kỳ loại giấy tờ nào.
Công nghệ xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chíp mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng và ngân hàng như: cắt giảm thủ tục và thao tác thủ công, rút ngắn thời gian giao dịch, nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng. Với các thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) thu thập được sẽ giúp Agribank nhận diện và phân loại khách hàng để phục vụ được tốt hơn, hiệu quả hơn.
Việc đưa ứng dụng CCCD gắn chip trong hoạt động ngân hàng khẳng định sự quyết tâm của ngành ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Với hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ điện tử và 4 triệu khách hàng vay vốn, Agribank luôn tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên cơ sở hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đột phá.
Trong thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và gia tăng sự hài lòng của khách hàng./.