Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 sẽ là tiền đề, cơ sở xây dựng kế hoạch 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt bối cảnh năm 2020 với sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã làm tình hình thay đổi hoàn toàn so với những tín hiệu lạc quan và kết quả tích cực đạt được của năm 2019 và các năm trước.
Báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngay trong những ngày đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta còn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do tác động từ cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và địa chính trị trên thế giới…
Tuy nhiên việc phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đã giúp cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong nước, đưa Việt Nam là một điểm sáng trong phòng chống đại dịch. Đối với lĩnh vực kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã có sự phản ứng kịp thời, đúng và trúng để đạt được kết quả quan trọng đối với việc ổn định kinh tế - xã hội và hạn chế tới mức thấp nhất tác động tiêu cực lên nền kinh tế, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Mặc dù kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng mức độ ảnh hưởng của dịch đến nền kinh tế trong nước cũng là hết sức nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ, GDP năm 2020 dự kiến chỉ tăng 1,8-2%. Mặc dù đây là mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên thế giới; tuy nhiên, đây là mức thấp nhất trong nhiều năm.
Chính vì vậy, tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp mà Chính phủ đã, đang và sắp triển khai để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội… Một số vấn đề được các đại biểu đề cập nhiều tới là đánh giá thực chất hoạt động của các DN, nhất là DNNVV, DN siêu nhỏ; báo cáo về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của DN; nguy cơ gia tăng nợ xấu trong thời gian tới khi nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thị trường BĐS nhiều nơi chững lại...
Liên quan đến khả năng tiếp cận vốn của DN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện các DNNVV chiếm tới 90% số DN tại Việt Nam. Đặc thù của DNNVV là tiềm lực tài chính yếu, thị trường tiêu thụ cũng hạn chế so với các DN lớn, nên khi gặp phải những cú sốc lớn, hoạt động kinh doanh của đối tượng DN này lại càng khó khăn hơn, từ đó ảnh hưởng tới khả năng trả nợ. Lường đón được điều này, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành Ngân hàng vào cuộc, phân tích đánh giá tình hình cụ thể để ban hành các chính sách đúng và trúng nhu cầu của DN và người dân.
Cụ thể, NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 01 nhằm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ DN và người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp giảm áp lực về nguồn tiền trả nợ đến hạn để doanh nghiệp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.
Đồng thời NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện miễn giảm phí trong thanh toán và đã hỗ trợ được số lượng lớn khách hàng và người dân. NHNN cũng đã hai lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn bằng VND để tạo điều kiện cho các TCTD lãi suất cho vay để hỗ trợ DN…
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã vào cuộc quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, DN với kết quả rất tích cực. Ngoài ra, NHNN chủ động tổ chức đoàn khảo sát sau khi ban hành Thông tư 01 được 1-2 tháng nắm bắt quá tình triển khai chính sách trong thực tiễn tại một số địa phương. Trên cơ sở nắm bắt những khó khăn vướng mắc từ thực tiễn, NHNN tiến hành dự thảo sửa đổi Thông tư 01 để chính sách triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN luôn kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nâng cao vị thế của đồng Việt Nam. Còn về những giải pháp hỗ trợ người dân và DN, quan điểm của NHNN là cố gắng hết sức tìm các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân nhưng cần phải đảm bảo sự an toàn của hệ thống các TCTD.
“Ngành Ngân hàng luôn đảm bảo nguồn vốn, sẵn sàng tái cấp vốn, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hành lãi suất linh hoạt trên cơ sở kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.