Ngày 24/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có phiên họp để thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và lấy ý kiến từ một số đại biểu xoay quanh các vấn đề: Đấu thầu phim Nhà nước, kiểm duyệt phim trên mạng và quy định về quỹ điện ảnh...
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng quy định của dự thảo còn nhiều khúc mắc. Kiểm định phim trên không gian mạng nếu chỉ dựa vào công nghệ thì mới kiểm soát được âm thanh và không kiểm soát được hình ảnh.
Phim phát trên mạng có nội dung, số lượng lớn. Việc thực hiện tiền kiểm yêu cầu phải tăng nhân lực, thiết bị lớn và đi ngược xu thế. Vì thế, Chính phủ lựa chọn phương án là hậu kiểm và quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ thể phổ biến phim trên mạng.
Bàn đến câu chuyện đấu thầu phim, người đứng đầu Bộ Văn hóa cho biết trong 5 năm gần đây, ngân sách nhà nước dành cho sản xuất phim khoảng 65 tỷ đồng/năm. Những năm trước, con số này còn thấp hơn. Nếu tính ra, mỗi phim trung bình chỉ đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Kinh phí thấp nên vấn đề đấu thầu sản xuất là rất khó, mất thời gian và nhiều khi không phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa.
Nhiều thành viên trong Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra quan điểm phải cân nhắc về các quy định liên quan đến quỹ hỗ trợ điện ảnh. Nguyên nhân, quy định về quỹ chưa phù hợp với quy định của luật Ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hùng cho rằng Bộ đã nghiên cứu mô hình của nhiều nước có nền điện ảnh phát triển. Theo khảo sát, các nước kể trên đều có quỹ phát triển điện ảnh. Vì thế, nếu quỹ hỗ trợ điện ảnh được quy định trong luật sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành này.