NHNN đã ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi vẫn tính theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN nhưng có sự điều chỉnh về tổng tiền gửi.
Ảnh minh họa |
Cụ thể Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 20 về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (tỷ lệ LDR). Theo đó, tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước được tính vào tổng huy động theo lộ trình sau đây: (i) từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành đến 31/12/2023: 50% số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước; (ii) từ ngày 1/01/2024 đến 31/12/2024: 60% số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước; (iii) từ ngày 1/01/2025 đến 31/12/2025: 80% số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và (iv) từ ngày 1/01/2026: 100% số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước.
Ngoài ra quy định cũng nêu rõ: NHTM chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN thực hiện lộ trình tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN theo Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu được phê duyệt sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong thời gian chưa áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, NHTM thực hiện tỷ lệ an toàn vốn quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
Theo thống kê tính toán dựa trên báo cáo tài chính quý IV/2022 của các ngân hàng, thực hiện quy định này, hệ thống ngân hàng sẽ có thêm 150.000 tỷ đồng từ nguồn tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Tuy vậy, tỷ lệ tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước chủ yếu tại ba ngân hàng là BIDV (7,1%), VietinBank (6,4%). Vietcombank (5,4%).
Điều này tạo điều kiện cho ba NHTM quy mô lớn, ổn định lãi suất huy động ngay từ đầu năm, qua đó tạo tiền đề cho các TCTD tiếp tục giữ mức lãi suất cho vay hợp lý trong năm 2023. Theo một lãnh đạo NHNN, mặc dù 150.000 tỷ đồng nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước không quá lớn so với tổng dư nợ toàn hệ thống (hiện là hơn 12 triệu tỷ đồng) song nguồn vốn này sẽ trực tiếp hỗ trợ thanh khoản cho ba ngân hàng trên và từ đó tác động giảm căng thẳng thanh khoản trên thị trường.
Hoạt động giải ngân đầu tư công thời gian qua chậm chạp đã làm cho nguồn tiền gửi ngân hàng tăng chậm, trong khi cầu tín dụng tăng nhanh theo sự phục hồi của nền kinh tế thời hậu Covid-19, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động vốn đáp ứng thanh khoản. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay trung dài hạn tính đến cuối năm 2022 của hệ thống ngân hàng chiếm đến 48%, trong khi nguồn vốn huy động chiếm đến 80% là ngắn hạn.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục phát triển và cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho nền kinh tế. Một số khoản vay sau khi đã được hỗ trợ của VietinBank lãi suất hiện nay ở mức 7,7%/năm. Ngân hàng muốn có thêm nguồn lực để tiếp tục thúc đẩy nhiều hơn các khoản cho vay có lãi suất thấp ở mức này để hỗ trợ khách hàng. “Để làm được điều này ngân hàng phải tiết giảm chi phí, hiện nay một đồng chi phí phải được sử dụng hiệu quả cao hơn. Quy trình thủ tục của ngân hàng giảm xuống một nửa nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn”, Chủ tịch VietinBank nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, ở các nền tài chính phát triển, ngân hàng cho vay với tỷ lệ thấp, họ dành nguồn lực phát triển dịch vụ và đầu tư nên nhà điều hành chính sách tiền tệ không quá lo về quản lý tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng, đặc biệt Ngân hàng Thế giới (WB) đã ra cảnh báo tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã lên đến hơn 124%. Do đó tỷ lệ LDR là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn hệ thống và an ninh tài chính quốc gia.