Chóng mặt với 'cơn lốc' lãi suất

NHVN 11:46 01/11/2022

Thời gian qua, nhiều ngân hàng lao vào cuộc đua nâng lãi suất huy động sau khi cơ quan quản lý tiền tệ nâng trần.

Áp lực điều hành đang đè nặng lên Ngân hàng Nhà nước khi phải đánh đổi giữa việc kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Huy động vẫn chậm hơn cho vay

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành, trong đó trần lãi suất huy động và cho vay ở mức 6%, các ngân hàng thương mại liên tục thay đổi lãi suất tiết kiệm.

Mới nhất, từ ngày 26/10, SCB đã niêm yết mức lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 9,3%/năm cho các kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng ở sản phẩm tiền gửi online. Còn các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng được áp dụng lãi suất trong khoảng 8,7% – 8,95%/năm.

Lãi suất huy động tăng cao đang gây áp lực lên lãi suất cho vay.

Còn Ngân hàng MB công bố biểu lãi suất huy động mới và tăng 1-1,2%/năm so với mức niêm yết hồi đầu tháng. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất lên tới 8,7%/năm, dành cho kỳ hạn 60 tháng áp dụng cho các khách hàng cá nhân gửi tiền ở các chi nhánh thuộc miền Trung và miền Nam. Các khu vực khác được hưởng lãi suất cao nhất là 8,6%/năm.

Dù các ngân hàng thay đổi biểu lãi suất tiết kiệm thường xuyên nhưng tốc độ huy động cũng không thể tăng nhanh tư tốc độc tăng trưởng tín dụng. Cụ thể tăng trưởng đến ngày 25/10 là 11,5% so với cuối năm ngoái, còn huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà lý giải, để bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và nguồn vốn cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9, và lần điều chỉnh thứ 2 là hôm 24/10, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. "Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn, bảo đảm an toàn thanh khoản, và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế" - ông Hà lý giải.

Điều khó tránh khỏi

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa, việc NHNN tăng lãi suất là không thể tránh khỏi trong bối cảnh tỷ giá bị sức ép nặng nề. Nâng lãi suất có nghĩa là tăng sức mạnh đồng tiền, chống tỷ giá rơi sâu thêm nữa. Tỷ giá là phòng tuyến quan trọng giúp ngăn ngừa nhập khẩu lạm phát. Một khi tiền đồng mất giá sâu, lạm phát nhập khẩu sẽ tăng mạnh.

Mặc dù tăng lãi suất là điều khó tránh trong nỗ lực chống lạm phát của NHNN, song điều này khiến doanh nghiệp bất an. Ông Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Thủy (Hà Nội) cho hay, từ đầu năm đến nay, phía ngân hàng đã 2 lần thông báo tăng lãi suất cho vay. Với tình hình khó khăn về cả đơn hàng lẫn chi phí tăng hiện nay, dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn “ngủ đông” thay vì sản xuất - kinh doanh.

Theo khảo sát nửa đầu tháng 9/2022, lãi suất cho vay bình quân với doanh nghiệp chỉ khoảng 9-10%/năm, hiện đã nâng lên 11-12%/năm. Với cho vay cá nhân, lãi suất phổ biến đang là 13-14%/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là “lãi suất bề nổi”, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh, để được giải ngân, họ phải chi thêm 2-3% “lãi ngoài”.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, khi lãi suất tăng, người gửi tiền sẽ được lợi, còn bên đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn (đối với cả nợ đang còn và nợ mới). “Tất nhiên, tăng lãi suất là khó khăn đối với doanh nghiệp vì họ vẫn phải đi vay là chủ yếu. Đây là việc làm rất khó khăn của các ngân hàng, trong đó có NHNN Việt Nam. Vì thế, ngân hàng Trung ương hiện nay phải cân đối, tính toán đa chiều, tổng hòa các mặt để đưa ra quyết định tăng hay giảm lãi suất, rồi mức độ và tần suất như thế nào” - ông Lực nói.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cũng thừa nhận, việc nâng mặt bằng lãi suất lên cũng tạo ra những quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, ông Hà cho biết, NHNN đã thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh.

"Chúng tôi có trần lãi suất cho vay, bảo đảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường" – ông Hà nhấn mạnh và cho biết, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên như xăng dầu hay các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang tập trung chỉ đạo bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phù hợp với kinh tế vĩ mô và bảo đảm cho khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp.

Cần sự chia sẻ giữa các bên

Lãi suất cho vay tăng nhanh, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ đội lên, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó và nguy cơ nợ xấu cũng tăng lên. Còn nhớ hồi 2008, 2009, nền kinh tế đã phải trả giá khi lãi suất cho vay tăng cao kéo theo nợ xấu ngân hàng tăng đột biến giai đoạn năm 2012 và những năm sau đó. Khi một làn sóng lãi suất xảy ra, ai cũng mong muốn giảm thiểu các tác động xấu.

TS. Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh: “Các ngân hàng cố gắng để mặt bằng lãi suất cho vay không quá cao, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là để bảo vệ cho sự an toàn của chính mình. Thực tế, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ người vay. Tôi tin rằng, hệ thống sẽ có cách để mặt bằng lãi vay không bị tăng quá nhiều thời gian tới. Trong giai đoạn này, rất cần sự chia sẻ lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân”.

Theo ông Phước, Chính phủ cần đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng để tạo sức lan tỏa, giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Bên cạnh đó, thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…) thời gian qua nảy sinh một số vấn đề cần chấn chỉnh kịp thời. Cần tạo ra một thị trường thông suốt, công khai minh bạch để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Đại Đoàn Kết

Link gốc : http://daidoanket.vn/chong-mat-voi-con-loc-lai-suat-5700828.html

Bạn đang đọc bài viết Chóng mặt với 'cơn lốc' lãi suất tại chuyên mục Tiền tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiền tệ
Tính từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 8,6% khiến doanh nghiệp có các khoản vay nước ngoài để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ chịu tác động mạnh khi tỉ giá biến động.