Theo kế hoạch, trước phiên thảo luận ở hội trường ngày 3/11 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, các đại biểu Quốc hội sẽ có 40 phút để xem video clip Báo cáo kết quả giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” và “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về công tác quản lý trong lĩnh vực điện năng - nhìn từ việc lập Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch Điện 8).
PV: Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về hoạt động giám sát của Quốc hội đối với công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực điện lực thời gian qua?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động giám sát của Quốc hội đối với Tổng sơ đồ Điện 7 (TSĐ), TSĐ Điện 7 hiệu chỉnh cũng như các vấn đề quản lý nhà nước về phát triển năng lượng điện năng tại Việt Nam.
Có thể nói, các vấn đề mà Đoàn giám sát đã làm việc, đã nêu và trao đổi với các cơ quan chức năng của Chính phủ, trong đó có Bộ Công Thương, các địa phương và rất nhiều các cơ quan khác về đánh giá tổng thể TSĐ 7, TSĐ 7 hiệu chỉnh cũng như đánh giá về quá trình thực thi, những mặt tích cực, kết quả đã đạt được và những vấn đề còn tồn tại… đã giúp cho Chính phủ và Bộ Công Thương có một cái nhìn tổng quan, toàn diện để tập trung làm cho tốt trong TSĐ Điện 8.
Đặc biệt, thời điểm này Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng TSĐ Điện 8, phải báo cáo với Chính phủ trong dịp cuối năm 2020 để phục vụ cho việc phê duyệt của Thủ tướng, tổ chức triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2021.
PV: Bộ Công Thương sẽ tiếp thu và cụ thể hóa những ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội như thế nào – tại Quy hoạch phát triển Điện 8 đang được xây dựng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương cho rằng, TSĐ Điện 8 sẽ phải đảm bảo yêu cầu có được một sơ đồ hoàn chỉnh, có tính dự báo cũng như tính pháp lý cho việc tổ chức triển khai thực hiện. Đảm bảo cân đối cung cầu điện và yêu cầu phát triển của đất nước trong một giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu rộng với thế giới và mang tính tầm nhìn khi Việt Nam đang đối mặt với cả những cơ hội và thách thức, của cuộc cách mạng 4.0 và bối cảnh mới của thế giới.
Cụ thể, cơ cấu điện năng của Việt Nam trong TSĐ sắp tới phải đảm bảo được sự cân đối, phù hợp giữa các nguồn điện mới với nhu cầu phụ tải của các khu vực. Hệ thống điện năng đảm bảo sự cân bằng giữa nhu cầu phụ tải với kế hoạch phát triển tại các khu vực để tránh phải tốn kém, thiệt hại, lãng phí do phải truyền tải điện năng.
Thứ hai, cần phải có một cơ cấu điện năng phù hợp giữa các nguồn điện khác nhau. Thực tế việc phát triển nhiệt điện khí trong thời gian tới là một xu thế tất yếu và yêu cầu rất lớn, vì vậy trong quy hoạch cần có cơ cấu của nhiệt điện khí, nhưng đồng thời vẫn phải có cơ cấu điện phù hợp với các nguồn điện khác, bao gồm nhiệt điện than, thủy điện, năng lượng tái tạo để đảm bảo chính sách về an sinh xã hội.
Thứ ba là phải xây dựng một ngành công nghiệp điện năng thật sự hiện đại, phát triển từ thượng nguồn đến hạ nguồn gồm các nhà máy điện, hệ thống truyền tải cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thị trường điện cạnh tranh và sản phẩm cuối cùng là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đây cũng được coi là nền tảng hết sức quan trọng của TSĐ Điện 8 cũng như là nền tảng cho phát triển của ngành năng lượng của Việt Nam.
Thứ tư là phải đảm bảo một cơ cấu giá điện hợp lý khi được xây dựng và hình thành trên cơ sở phản ánh đầy đủ các yếu tố đầu vào, các chi phí đầu vào của sản xuất, truyền tải, phân phối điện. Giá điện thị trường nhưng Chính phủ cũng sẽ phải có những công cụ pháp lý và các công cụ cần thiết khác để đảm bảo thực hiện được các chính sách an sinh xã hội, nhất là với những đối tượng người dân còn có những hoàn cảnh khó khăn.
Những yếu tố này cũng là nền tảng rất quan trọng để chúng ta vừa đảm bảo cân đối được năng lực, các nguồn lực đầu tư của xã hội, trong đó có đầu tư của Nhà nước, đầu tư của khu vực doanh nghiệp, đầu tư của tư nhân để phát triển hệ thống nguồn phát điện đồng bộ với hệ thống truyền tải và hệ thống phân phối điện. Đảm bảo được giá điện phục vụ tốt cho nhu cầu đời sống nhân dân, phát triển kinh tế của đất nước và cân đối cung cầu điện nhưng tiếp tục tạo thuận lợi để huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội để phát triển thị trường điện cạnh tranh.
Một nội dung rất quan trọng khác trong TSĐ Điện 8 được đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên đó là câu chuyện về bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững. Hàng loạt các dự án nguồn điện hàm chứa các yếu tố về môi trường cần phải tính đến, đặt ra những bài toán nghiêm túc cho các cơ quan quản lý khi thực thi TSĐ Điện 8.
PV: Bộ Công Thương sẽ triển khai thế nào đối với lĩnh vực thủy điện nhỏ và vừa, cũng như các dự án điện còn sử dụng nhiều đất cũng như phải chuyển đổi diện tích đất, đất rừng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước. Nhưng nếu như chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững của đất nước, chưa kể đến những dị thường cũng như tính cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ.
Do đó chắc chắn trong TSĐ Điện 8, chúng ta cũng sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn nữa.
PV: Bộ Công Thương đặt trọng tâm vào yếu tố then chốt nào để hiện thực hóa việc phát triển năng lượng tái tạo - năng lượng sạch tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành đầu năm nay?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong TSĐ Điện 8 Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, các chính sách cụ thể để khuyến khích các nguồn năng lượng sạch cũng như đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Đặc biệt, khi vai trò của khu vực tư nhân đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam, sắp tới khi sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý,…vấn đề giải phóng nguồn lực cũng sẽ được đề cập nhiều hơn TSĐ Điện 8 để có thể định hình được rõ hơn nữa vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển năng lượng.
PV: Thưa Bộ trưởng, với những phác thảo về QHĐ Điện 8 như Bộ trưởng vừa thông tin thì đâu là khó khăn, thách thức để hiện thực hóa Quy hoạch này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng khó khăn lớn nhất đó là Luật Quy hoạch mới ra đời và chúng ta đang có một phương thức mới trong xây dựng quy hoạch quốc gia, dựa trên các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Nhưng theo luật của quy hoạch mới, chúng ta không còn nhiều các quy hoạch của từng lĩnh vực.
Chính vì vậy, sự đồng bộ, cách thức tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch trong Quy hoạch TSĐ Điện 8, Quy hoạch năng lượng phải đồng bộ với những quy hoạch khác của quốc gia, của các vùng là một yêu cầu, thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải vừa làm, vừa tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, kể cả các hướng dẫn thực hiện.
Vấn đề thứ hai đó chính là thời gian phải hoàn thiện bản quy hoạch đảm bảo các mục tiêu phát triển ở nhiều bình diện và góc độ khác nhau. Cụ thể ở đây là quy hoạch vừa phải đảm bảo được một hạ tầng năng lượng ổn định, bền vững phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo được định hướng xã hội chủ nghĩa khi liên quan đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân, chưa kể đến những nhiệm vụ chính trị phục vụ cho phát triển của đất nước, của các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Cùng với đó còn có những vấn đề mà tưởng chừng rất mâu thuẫn, khi chúng ta vừa muốn có nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường nhưng phải là nguồn năng lượng giá rẻ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế -xã hội, phù hợp trình độ phát triển của đất nước và phù hợp với điều kiện đời sống của nhân dân.
Tất nhiên không giải pháp nào có được sự tuyệt đối. Ngay cả giữa vấn đề phát triển với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững luôn là một bài toán đánh đổi nên cần phải tính toán phương án tối ưu. Tuy nhiên, dù thế nào thì chúng ta vẫn phải đạt được những mục tiêu đó, khi Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta hoàn toàn có được những quyết sách mang tính toàn diện để đáp ứng được các yêu cầu./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.