Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 6/4, tham gia góp ý về Luật giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa, bên cạnh giá tối đa (giá trần) như hiện nay.
Theo đại biểu, hiện nay có tình trạng các hãng hàng không tung ra giá vé máy bay 0 đồng. Điều có lợi cho khách bay nhưng không tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng bay. Đại biểu cho rằng nếu không có quy định về cả giá trần và giá sàn thì sẽ có tình trạng “mạnh ai nấy làm”, khó thuyết phục các nhà đầu tư muốn rót vốn vào các hãng hàng không.
Bên cạnh đó, về việc một số hãng hàng muốn bỏ quy định giá trần vì lỗ, đại biểu Hòa cho rằng tình trạng lỗ vừa rồi của các hãng phần lớn do tác động của dịch bệnh Covid-19 chứ không phải do giá trần.
"Thua lỗ thời gian qua là do dịch Covid-19, không phải do giá trần. Nếu lỗ thì làm gì có chuyện hãng hàng không Bamboo Airways mới vận hành, làm gì có nhà đầu tư chuẩn bị rót vốn, xin mở mới hãng hàng không tại Việt Nam. Tôi cho rằng đây là những vấn đề lợi ích của doanh nghiệp, do đó họ không muốn có giá trần”, ông Hòa nêu quan điểm.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại hội nghị chuyên trách, ngày 6/4. Ảnh: Phạm Thắng |
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc - đại diện cơ quan soạn thảo dự Luật Giá (sửa đổi) nhận xét ý kiến đại biểu Phạm Văn Hoà "rất hay, hợp lý". Ông nói cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nói thêm, nếu giá vé 0 đồng hay 200.000 hoặc 500.000 đồng, các hãng hàng không sẽ không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói tới tiền trả lương cho người lao động, khấu hao. Như vậy, những hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ thua, hay nói cách khác là bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ trần giá vé máy bay và dịch vụ cảng biển. Bởi, điều chỉnh giá trần của cơ quan Nhà nước thường chậm, không theo kịp biến động thị trường, nên gây khó khăn, làm mất đi nguồn lực, nguồn thu ngân sách.
Mặt khác, việc áp giá trần không phù hợp thông lệ quốc tế, không công bằng với các loại dịch vụ khác như vận chuyển hành khách bằng tàu hoả, vận tải hành khách tuyến cố định, hay taxi đều do doanh nghiệp tự định giá và kê khai giá với cơ quan quản lý.
Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đều đề nghị giữ trần vé máy bay nội địa. Nhiều lý do đã được hai bộ này đưa ra, như Nhà nước cần công cụ điều tiết, tránh trường hợp các hãng hàng không đưa ra giá vé quá cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế. Việc này sẽ làm hạn chế cạnh tranh và ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực xã hội.
Do còn nhiều quan điểm khác nhau về trần giá vé máy bay, thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá tác động nếu bỏ trần giá vé máy bay, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.