Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tính đến sáng ngày 21/12, hơn 6.200 xe container hàng hoá đang bị tắc nghẽn ở cửa khẩu phía Bắc, trong đó hơn 4.400 xe là tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Mới đây, Trung Quốc đã tạm dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma và sau đó là cửa khẩu Đông Hưng. Hàng nghìn tấn nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó phần lớn là hàng trái cây tươi.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ mất trắng khi thời gian thông quan kéo dài trong khi đặc thù hàng hóa tươi có thời gian bảo quản ngắn, chi phí cao.
Chia sẻ với báo Giao thông, ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Thùy cho biết công ty đang có 5 container hàng trái cây mắc kẹt tại cửa khẩu và không biết đến bao giờ mới được thông quan.
"Nếu một container (1.000 m2) sầu riêng mua vào, không bán được phải mang đi bỏ thì lỗ từ 1,3-1,5 tỷ đồng, còn một container mít thì lỗ gần 300 triệu đồng. Hầu hết doanh nghiệp phải dừng hoặc giảm sản lượng thu mua", ông Tâm nói.
Doanh nghiệp dừng thu mua, nông dân vùng ĐBSCL lo "sốt vó" vì hàng nghìn tấn nông sản chưa có đầu ra.
Tình trạng trên đã khiến giá các loại trái như thanh long, mít, dưa hấu, sầu riêng… bắt đầu giảm giá 20 - 30%.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, một chủ vườn mít ở Tiền Giang cho biết: "Việc Trung Quốc đóng cửa cửa khẩu hoặc hạn chế phương tiện vận chuyển trái cây xuất khẩu đã khiến giá mít giảm mạnh, có thời điểm giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Thanh long ruột trắng hiện giảm khoảng 8.000 đồng/kg, ruột đỏ khoảng 15.000 đồng/kg".
Sự cố tắc nghẽn cửa khẩu lớn nhất từ trước đến nay không chỉ khiến doanh nghiệp xuất khẩu, nông dân có nguy cơ mất trắng mà doanh nghiệp vận tải cũng lo phải đền hợp đồng trong tháng củ mật.
Không chỉ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vận tải của ông Nguyễn Văn Hiền ở TP. Phan Thiết (Bình Thuận) hiện có 7 chiếc đầu kéo đang "chết cứng" tại Lạng Sơn do không thông quan được qua Trung Quốc, theo báo Thanh niên.
Vị này cho biết cuối năm là mùa cao điểm vận chuyển thanh long trái vụ sang Trung Quốc để phục vụ dịp cuối năm.
Tuy nhiên, các cửa khẩu giáp biên phía Trung Quốc liên tục ngừng thông quan, khiến cho mỗi chuyến xe bị kéo dài thời gian nằm bãi tại biên giới.
"Mất gần 15 ngày mới thông quan được 2 xe thanh long. Khi xe qua khỏi cầu Bắc Luân, chủ bãi phía Trung Quốc "ăn" mất gần 60 triệu đồng/container (tiền chạy máy lạnh, kho bãi, test COVID-19), trong khi tiền vận chuyển chủ hàng trả cho mình chỉ 80 triệu đồng/container.
Đã vậy, khi kiểm hàng, mỗi container mất hết 5 tấn hàng bị hư hỏng do để quá lâu. Nếu chủ hàng bắt nhà xe chịu đền số hàng này thì chúng tôi lỗ nặng", anh Hiền nói.
Ông K cho biết để tránh hư hỏng thanh long, mỗi đầu kéo phải chạy máy lạnh ít nhất 12 giờ/ngày; mỗi giờ hết 4 lít dầu, trong khi các xe bồn cung cấp dầu tận xe tính với giá 25.000 đồng/lít thay vì 17.000 đồng/lít như tại cây xăng.
"Đã 20 ngày rồi nhưng xe vẫn chưa thông quan được, thật là tiến thoái lưỡng nan. Chi phí tăng thêm mấy chục triệu/ngày cho tài xế và 13 đầu xe nhưng vẫn không biết khi nào mới được thông quan để giao hàng cho khách hàng phía Trung Quốc", ông K nói.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL câu chuyện ùn ứ, mắc kẹt hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc vào thời điểm cuối năm không mới, cứ "đến hẹn lại lên".
Hiện đầu vào – đầu ra của nông sản Việt phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc dẫn đến nước ta luôn trong thế bị động khi nước bạn chuyển trạng thái đóng – mở cửa khẩu.
Do đó, các cơ quan chức năng phải có biện pháp tháo gỡ, theo dõi tiến độ các cửa khẩu để lên hàng không bị ùn ứ. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những giải pháp nhất thời.
Về lâu dài, ông Hiệp cho rằng các doanh nghiệp "không nên để tất cả quả trứng vào cùng một rổ", cần đa dạng thị trường để không bị động khi có sự cố.
"Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp "thoát ra" khỏi thị trường Trung Quốc, và tìm được những thị trường mới như Mỹ, EU… thì họ không có gì bận tâm, lo lắng, thậm chí là giá bán hàng hóa nông sản vẫn rất cao".