Sau khi tiếp nhận đơn, Cục CSHS - Bộ Công an đã bàn giao cho Công an Hà Nội để xử lý theo thẩm quyền.
Ngân hàng số đầu tiên trên thế giới?
Theo đơn tố giác của nhiều nhà đầu tư, vì tin lời người đứng đầu dự án tiền ảo RBM, rằng đây là một ngân hàng số với những ưu điểm chưa từng có trên thế giới như: Không ủy thác, không gói đầu tư, tài sản trong tay bạn, rút gốc bất cứ lúc nào không phạt, không mất phí... nên nhiều người không ngần ngại đổ tiền vào.
Khởi xướng dự án Robomine blockchain, nền tảng ứng dụng trên điện thoại di động là ông Đ.M.T (SN 1984, ở Hà Nội), người đã lập nhiều trang web có tên miền robomine.io để giới thiệu về dự án “ngân hàng số”, ví điện tử mà đối tượng đang vận hành.
Ông bắt đầu giới thiệu lôi kéo các nhà đầu tư tham gia vào dự án từ năm 2020. Đến tháng 1/2021, T. thành lập Học viện Blockchain Academy (đặt trụ sở tại một tòa nhà thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tổ chức các buổi chia sẻ, giới thiệu về RBM và quảng cáo rầm rộ hơn trên các kênh như Youtube, Zalo, Telegram và Twitter.
Theo lời quảng bá của T., nhà đầu tư tạo ví cá nhân trên địa chỉ: https://wallet.robomine.io/en và mua coin (Etherium, USDT, Tron, Bitcoin) trên các sàn giao dịch và gửi vào ví Robomine để hưởng lãi hằng ngày (9-15%/tháng) được trả bằng coin của Robomine tự phát hành có tên RBM. Để rút lãi về thì nhà đầu tư phải chuyển coin RBM sang các loại tiền ảo đang thông dụng trên thị trường như: Etherium, USDT, Tron hoặc Bitcoin.
Đáng chú ý, theo lời quảng cáo của ông T, khi nhà đầu tư (F0) chia sẻ, rủ thêm được những người khác (F1,F2…) tham gia đầu tư thì tất cả sẽ được hệ thống trả thưởng hoa hồng theo tỷ lệ F1 hưởng 100%; F2 hưởng 50%; từ F3 trở đi hưởng 5% của lợi nhuận coin đào.
Ông L.H - một nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết, tại các buổi thuyết trình, ông T. giới thiệu đây là ngân hàng số đầu tiên trên thế giới và mọi người có thể gửi, rút tiền bất kỳ lúc nào, hoạt động 24/7. Ngoài ra, ông T. nói đã mua tool (công cụ) đào coin độc quyền ở châu Á càng làm cho nhà đầu tư yên tâm.
Theo đó, ông H, đã chuyển vào ví 28 ETH và 300.000 Tron quy ra tiền khoảng 1,1 tỷ đồng, đến nay nếu tính tiền lãi tương đương hơn 3 tỷ đồng trong ví điện tử. Còn bà T.H, sau khi nghe lời ông T nói RBM sắp lên sàn đã mở 4 ví khoảng 100 triệu đồng.
Nhà đầu tư lo mất trắng
Vẫn theo phản ánh của các nhà đầu tư, hiện nay, nhiều ví RBM không thể đăng nhập được, lịch sử giao dịch nạp coin cũng không thể kiểm tra. Các trang web về RBM cũng rơi vào tình trạng đang cập nhật…Những nhà đầu tư phản ánh về dấu hiệu lừa đảo của ông T. đã bị ông ta chặn cuộc gọi, “Kick” ra khỏi các nhóm đầu tư RBM…
Theo ông V.H (ở Hà Nội) - nhà đầu tư đã chuyển 200 triệu đồng vào ví RBM cho biết, thời gian đầu, hệ thống xảy ra một số lỗi khi chuyển đổi RBM sang các loại tiền ảo khác nhưng đều được ông T. cùng đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ khắc phục. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, hệ thống thông báo bảo trì và không thể mở được hoặc coin gốc bên trong đã chuyển hết sang các tài khoản không xác định.
Còn theo bà T.H, quá trình kiểm tra trên các trang coin market, không thấy có đồng RBM nên ban đầu cũng thắc mắc, nghi ngờ rủi ro nhưng được ông T. trấn an bằng việc đồng RBM sắp được lên sàn thế giới.
“Khi chúng tôi liên hệ yêu cầu mở lại ví thì ông T. nói cung cấp tài khoản, mật khẩu, chứng minh nhân dân để xác thực. Nếu nhà đầu tư gửi vào 10 ETH ban đầu thì nay sẽ rút ra bằng RBM và muốn đổi ngược lại ETH về sàn giao dịch thì tỷ lệ quy đổi sẽ là 1 RBM tương đương 0,02 ETH. Tuy nhiên, ông T. chỉ mở lại những ví có số tiền rất thấp” - một nhà đầu tư nói.
Theo bà N. trưởng nhóm đứng ra tiếp nhận đơn, hiện có khoảng hơn 200 nạn nhân tố cáo bị lừa đảo khi đầu tư vào RBM với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, người thấp nhất là vài chục triệu đồng, cao nhất là hàng chục tỷ đồng.
Vạch mặt “ông trùm” triệu đô
Trong các buổi thuyết trình, để tăng uy tín và thuyết phục mọi người rót tiền vào RBM, ông T. giới thiệu dự án RBM có quỹ hàng trăm triệu USD được sáng lập bởi tiến sỹ Nicolas Kokalis, Trường Đại học Stanford; ông Azdine Bouhou phụ trách truyền thông và bà Robin Bienenstock quản lý quỹ đầu tư tên là RBMP Capital Anh quốc. Đồng thời giới thiệu bản thân là chủ quỹ 1.000 BTC và đưa ra tài khoản hơn 1 triệu USD để đầu tư vào RBM.
Ngoài ra, ông T. còn giới thiệu là Phó chủ tịch IDJ Việt Nam (Invest to Develop Jointly - Tập đoàn Đầu tư Tài chính, Giáo dục, Bất động sản, Kết nối Đầu tư Quốc tế, trụ sở tại Hà Nội) trong một số clip để nhà đầu tư tin tưởng hơn và dự án Robomine khiến nhiều nhà đầu tư bán đất, nhà “đổ” tiền vào.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Trọng Hiếu - Chủ tịch IDJ Group khẳng định, ông Đ.M.T không phải là người của IDJ Group, đồng thời ông Hiếu cũng không quen biết đối tượng này và IDJ cũng không đầu tư vào bất kỳ hoạt đồng tiền ảo nào.
“Sau khi phát hiện sự việc trên, tôi đã có thông tin cảnh báo tới mọi người và làm việc với cơ quan công an” - ông Hiếu thông tin.
Trước thông tin phản ánh của các nhà đầu tư, PV Tiền Phong đã liên hệ với Cục CSHS - Bộ Công an và Công an Hà Nội và được biết vụ việc đã được giao đơn vị chức năng của Công an Hà Nội xác minh, điều tra theo thẩm quyền. Đến nay, cơ quan công an đã mời một số nhà đầu tư đến làm việc.