Giảm thuế GTGT xuống 8%, doanh nghiệp, kế toán 'bối rối' xuất hóa đơn

Theo Tài chính Doanh nghiệp 10:47 11/02/2022

Từ 1/2/2022 nhiều nhóm hàng hóa dịch vụ được giảm 2% thuế suất thuế GTGT. Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn đối với việc giảm thuế này đang chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp.

Băn khoăn mức thuế GTGT giảm trong hóa đơn

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, về thuế GTGT: giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%) trừ một số hàng hóa, dịch vụ, hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT như thế này đang khiến nhiều doanh nghiệp, cũng như đội ngũ kế toán cảm thấy băn khoăn, lo lắng.

Trên hầu hết các diễn đàn cộng đồng kế toán trong những ngày gần đây “nóng” chuyện xuất hóa đơn theo mức giảm thuế mới đặc biệt đối với các nhà hàng, siêu thị nơi bán nhiều mặt hàng.

Đơn cử như đối với các nhà hàng ăn uống có bán rượu bia sẽ có 2 mức thuế GTGT: mức 8% đối với đồ ăn và 10% đối với đồ uống như rượu, bia. Làm kế toán cho một nhà hàng trên phố cổ Hà Nội, chị Nguyễn Thị Lan cho biết, hóa đơn điện tử yêu cầu xuất chi tiết nhưng mỗi mặt hàng lại một loạt thuế GTGT khiến cho việc xuất hóa đơn khó khăn.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Để tạo thuận lợi cho khách, nhận thiệt về phần mình, chủ nhà hàng M.S đã quyết định toàn bộ hóa đơn của nhà hàng sẽ sử dụng mức thuế GTGT là 8%. Doanh nghiệp sẽ tự bỏ tiền ra bù phần thuế 2% của các mặt hàng áp dụng mức thuế suất 10%.

“Khách hàng không đồng ý việc xuất hai hóa đơn riêng với hai mức thuế GTGT 8% và 10%. Để không gây khó khăn cho khách cũng như tạo thuận lợi cho kế toán, ông chủ quyết định áp dụng cho mức thuế GTGT là 8%. Như vậy, phía nhà hàng mình chịu thiệt đơn, thiệt kép”, chị Hương, kế toán nhà hàng M.S tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH BCTC - Đại lý thuế cho hay, những ngày gần đây nhiều khách hàng của mình đã phải cho kế toán làm thêm giờ để kiểm tra xem mặt hàng nào được giảm thuế, mặt hàng nào giữ nguyên.

“Đối với các nhà hàng ăn uống nếu xuất dịch vụ ăn uống là chuẩn nhất và áp luôn thuế GTGT ở mức 8%. Tuy nhiên, nếu xuất hóa đơn liệt kê các món ăn, rượu bia thì sẽ xuất hóa đơn áp thuế GTGT ở mức 8% hay 10%? Rất nhiều bạn kế toán băn khoăn hỏi tư vấn bên công ty mình và chưa biết thực hiện như thế nào cho chuẩn”, ông Thức nói.

Ông Thức kiến nghị cơ quan thuế cần có hướng dẫn cụ thể, kịp thời để cộng đồng doanh nghiệp, kế toán áp dụng thuận tiện nhất, đáp ứng được mục tiêu của Chương trình giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Lập hóa đơn như thế nào cho đúng?

Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn về việc lập hóa đơn đối với các đối tượng được giảm thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 trong năm 2022 như sau:

Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, khi lập hoá đơn GTGT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “8%”; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn GTGT, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn GTGT.

Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT thì không được giảm thuế GTGT.

Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

Trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết (nếu có) và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ sở kinh doanh thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 2% thuế suất thuế GTGT hoặc giá đã giảm 20% mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.

"Cơ sở kinh doanh quy định thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định15/2022/NĐ-CP cùng với Tờ khai thuế giá trị gia tăng", Cục Thuế Hà Nội khuyến cáo.

Bạn đang đọc bài viết Giảm thuế GTGT xuống 8%, doanh nghiệp, kế toán 'bối rối' xuất hóa đơn tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 8,1% nhờ sản xuất công nghiệp tăng đều đặn trong những tháng cuối năm bù đắp sự sụt giảm doanh số bán lẻ.