Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), Trung Quốc tăng trưởng 8,1% năm 2021, cao hơn dự báo 8% của các nhà phân tích. Bên cạnh đó, GDP quý IV tăng 4% so với cùng kỳ 2020, nhanh hơn mức dự báo là 3,6%.
Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu mạnh mẽ năm 2021 nhờ các hoạt động phục hồi sau đợt suy giảm do đại dịch năm 2020. Tuy nhiên, một số thách thức mới cũng nổi lên như bất động sản suy thoái, và các biện pháp hạn chế chống dịch mới khi biến chủng Omicron xuất hiện.
Cảng nước sâu Sơn Dương ở Thượng Hải, Trung Quốc |
Sản xuất công nghiệp của nước này tăng 4,3% trong tháng 12 so với cùng kỳ 2020, vượt dự báo 3,6% của Reuters. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tăng thấp hơn kỳ vọng, với chỉ 1,7% trong tháng 12.
Trong một tuyên bố, Cục này cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải chịu áp lực gấp 3 lần, đó là nhu cầu thu hẹp, cú sốc cung và kỳ vọng suy yếu trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp và không chắc chắn.
Việc Trung Quốc theo đuổi chính sách zero - covid đã thúc đẩy các hạn chế mới về đi lại trong nước, bao gồm cả đóng cửa thành phố Tây An ở miền trung nước này hồi cuối tháng 12. Ngay trong tháng này, một số thành phố khác cũng đã bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể omicron.
Các nhà phân tích bắt đầu hoài nghi liệu lợi ích của chiến dịch zero-covid này có lớn hơn cái giá mà nước này đang phải chịu tổn thất hay không?
Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng GDP trong năm 2022 của Trung Quốc dựa trên kỳ vọng về chính sách zero-covid sẽ làm gia tăng các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tác động lớn nhất của chính sách này là chi tiêu tiêu dùng.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2020 dù nền kinh tế nói chung của nước này vẫn tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch. Chi tiêu của người tiêu dùng từ đó vẫn rất chậm, một phần là do các hạn chế về đi lại đã cản trở hoạt động du lịch.
Theo Tài Chính Doanh Nghiệp