Nhu cầu vay tiêu dùng của người dân bắt đầu có xu hướng tăng cao mỗi dịp Tết cận kề, các hình thức cho vay tiền cũng do đó mà "nở rộ" trên thị trường. Tuy nhiên, giữa “ma trận” hình thức cho vay tiêu dùng như hiện nay lại dấy lên lo ngại tín dụng đen “núp bóng”.
Theo tìm hiểu của TheLEADER, hiện có hàng trăm loại app cho vay đang tồn tại như: Cash Cow, You Dong, Fast Horse, Mo Credit, Online Vay, 30S có tiền, Ruby Vay, Denvay, City Credit, Panda Vay, Vay Life, Happy Vay, VayHome, HBC Credit, Yes Credit, GoVayNow, RoboCash, QuickVay, VIPDong...
Các app này được quảng cáo trực tiếp và mạnh đến các đối tượng đang cần tiền, điều kiện vay cũng hết sức lỏng lẻo, chỉ cần có số điện thoại và chứng minh nhân dân (thẻ căn cước công dân).
Trong báo cáo thực hiện Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen mà Bộ Công an gửi Thủ tướng mới đây cho biết, tại Việt Nam có hơn 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để cho vay trực tuyến, hầu hết có vốn nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Indonesia…) đăng ký hoạt động là dịch vụ tư vấn tài chính và kết hợp với các công ty, cửa hàng cầm đồ để thực hiện hoạt động cho vay tiền, thu hồi nợ.
Các doanh nghiệp này thường đăng ký núp bóng thành các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cho vay theo mô hình hoạt động của công ty tài chính nhưng lại không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính tại Việt Nam.
Mỗi doanh nghiệp này thường tạo ra nhiều app cho vay với tên gọi khác nhau để hoạt động cho vay lãi nặng với thủ đoạn tương tự các đối tượng hoạt động tín dụng đen dưới hình thức cho vay trực tuyến.
Đơn cử như ngày 16/12 vừa qua, Công an TP. Vinh (Nghệ An) cho biết vừa triệt phá thành công một đường dây cho vay nặng lãi với quy mô cực lớn, bắt giữ 52 đối tượng. Bước đầu, cơ quan công an xác định đã có hơn 10.000 bị hại trên cả nước vay tiền của đường dây tín dụng đen này, lãi suất cho vay lên đến 200%/năm.
Hay mới đây, Cục Cảnh sát hình sự triệt phá nhóm đối tượng gốc Hải Phòng hoạt động ở TP.HCM cho vay với lãi suất hơn 1.700%/năm. Trong đó, một bị hại vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả trên 20 tỷ đồng, đến nay vẫn còn nợ hơn 11 tỷ đồng.
Trên thị trường có hàng trăm app cho vay tiền đang tồn tại |
Theo đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4 Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an): "Một yếu tố nguy hiểm ở đây là, với doanh nghiệp nước ngoài, khi khách hàng đăng ký vay, dữ liệu cá nhân của họ có thể được lưu trữ ở nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam rất khó kiểm soát, khó kiểm tra. Đôi khi thông tin bên cho vay là giả, dữ liệu khách hàng có nguy cơ bị lộ, lọt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ”.
Đại diện Bộ Công an cho biết có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các app tín dụng đen vẫn tồn tại nhiều trên không gian mạng với các chiêu trò quảng cáo, dụ dỗ người dân.
Thứ nhất là công tác kiểm định của những nhà sản xuất, quản lý ứng dụng trên nền tảng di động chưa thực sự chặt chẽ hoặc không có điều kiện để kiểm tra. Thứ hai là nhu cầu của một bộ phận lớn người dân, những người có nhu cầu về những khoản tiền nhỏ, dưới 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống (những người yếu thế, lao động, công nhân hay học sinh, sinh viên).
Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa đủ sức để phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Bà Đặng Thị Thanh Hồng, Phó trưởng phòng tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong dịch Covid-19, nhiều người dân gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn nhưng không đủ điều kiện của các tổ chức ngân hàng, tài chính nên đã tìm đến tín dụng đen của các tổ chức không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Theo đó bà Hồng cho rằng, để mở rộng khả năng tiếp cận tài chính tín dụng lành mạnh của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, cần có những giải pháp kết hợp từ tổ chức tín dụng và cả khách hàng.
Với tổ chức tín dụng, cần phát triển các dịch vụ mới với món vay nhỏ, thủ tục thuận tiện. Ngân hàng có giải pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh lãi và kỳ hạn trả nợ phù hợp để khách hàng không cần tìm đến tín dụng đen.
Từ phía khách hàng, theo đại diện Bộ Công an, cần có biện pháp để tăng cường nhận thức thủ đoạn và tác hại nếu vay từ tín dụng đen. Các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân tìm đến tín dụng chính thức, thay vì tín dụng đen khi có nhu cầu.