Ông Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng – vừa chia sẻ với báo chí về một đề xuất từng ấp ủ suốt gần 15 năm: xây dựng nghị định cho vay theo chuỗi giá trị, đặc biệt với chuỗi nông sản. Dù từng được trình bày tại các hội thảo lớn và chuyển giao cho cơ quan chức năng xử lý, đến nay đề xuất này vẫn chưa thành hiện thực – điều khiến ông Hòe trăn trở trong bối cảnh nhu cầu và tính cấp thiết ngày càng rõ ràng.
Tín dụng chuỗi giá trị – hay tài chính chuỗi cung ứng – mới chỉ được đề cập cụ thể trong Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khu vực tư nhân, trong đó có tín dụng xuất khẩu và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, việc cho vay cần dựa vào phương thức sản xuất, dòng tiền và khả năng tham gia vào chuỗi thay vì chỉ căn cứ tài sản bảo đảm như hiện nay.
Mặc dù được chính sách ủng hộ, tín dụng chuỗi giá trị vẫn triển khai chậm trong thực tế. Một số ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV, Agribank và ngân hàng ngoại như UOB đã bắt đầu xây dựng hệ sinh thái tài chính số tích hợp, song việc áp dụng tín dụng chuỗi cung ứng còn hạn chế.
Đại diện Ngân hàng UOB cho biết, mô hình tài trợ chuỗi hiện chỉ áp dụng cho một số doanh nghiệp lớn – nơi ngân hàng có thể cấp vốn không chỉ cho doanh nghiệp trung tâm (ví dụ như Coca-Cola) mà còn cho các nhà cung cấp, phân phối liên kết trực tiếp với họ. Tất cả quá trình xét duyệt và thanh toán được số hóa. Dù vậy, UOB vẫn đang đánh giá hiệu quả trước khi mở rộng mô hình.
Trong bối cảnh nông dân gặp khó về tài sản đảm bảo và dòng thu nhập không ổn định, nhiều ngân hàng đang chuyển hướng cấp vốn thông qua các mắt xích chính trong chuỗi như đại lý vật tư, doanh nghiệp chế biến hoặc thương lái. Phương pháp này giúp kiểm soát rủi ro tốt hơn và tận dụng dòng tiền minh bạch từ các hợp đồng bao tiêu, thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng là giải pháp giúp tiết kiệm nguồn lực và phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp.
Ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh, mô hình cho vay gián tiếp thông qua các đầu mối cung ứng đầu vào, rồi thu hồi vốn từ dòng tiền đầu ra là hướng đi thực tế hơn so với việc cho vay trực tiếp từng hộ nông dân.
Dù đã có những đơn vị tiên phong triển khai, theo báo cáo của Viện Chiến lược Ngân hàng, cho đến nay dư nợ tín dụng theo chuỗi giá trị vẫn còn rất thấp, đặc biệt trong nông nghiệp – chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ, dù có tới 87% ngân hàng thương mại đã triển khai hình thức cho vay này. Điều đó cho thấy dư địa còn lớn nhưng vẫn cần khung pháp lý rõ ràng, mô hình thực tiễn hiệu quả và sự vào cuộc đồng bộ hơn từ hệ thống ngân hàng.