Luật sư Hoàng Trọng Giáp, giám đốc Công ty luật Hoàng Sa trả lời:
Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Cơ sở kinh doanh đóng cửa do covid 19 (Ảnh minh họa) |
Covid-19 là đại dịch bệnh toàn cầu, diễn biến dịch bệnh ngày càng đang lan rộng và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Lệnh tạm ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh là một biện pháp cần thiết để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Như vậy, có thể khẳng định rằng dịch bệnh Covid 19 là sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 quy định trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ. Theo đó:
1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Từ quy định nêu trên có thể hiểu rằng trách nhiệm dân sự được miễn ở đây có thể là: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê mặt bằng, trách nhiệm chịu phạt do vi phạm hợp đồng (do chậm trả hoặc không trả tiền thuê mặt bằng)... Và quy định pháp luật hiện hành chưa có điều khoản nào khẳng định người đi thuê mặt bằng được quyền miễn tiền thuê mặt bằng, và người cho thuê mặt bằng có nghĩa vụ miễn tiền thuê mặt bằng do sự kiện bất khả kháng. Do đó, có thể hiểu rằng trách nhiệm trả tiền thuê mặt bằng của người đi thuê sẽ không mất đi.
Do đó, bạn vẫn phải thanh toán tiền thuê mặt bằng theo cam kết. Có chăng nếu có thể thương lượng được với bên cho thuê để giảm tiền thuê mặt bằng, hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trên cơ sở phải có sự đồng ý của bên cho thuê.
Theo Đại đoàn kết