Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,36% lên 86,2 USD/thùng vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam) ngày 19/1. Giá dầu thô Brent giao tháng 3 cũng tăng 0,07% lên 88,56 USD/thùng.
Hôm 18/1, giá dầu thô đã lên mức cao nhất kể từ năm 2021 do các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng địa chính trị toàn cầu, liên quan tới các nhà sản xuất lớn như Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nga, có thể khiến triển vọng nguồn cung thắt chặt trở nên tồi tệ hơn.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/1, giá dầu thô Brent tăng 1,2% lên 87,51 USD/thùng. Trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,9% lên 85,43 USD.
Cả hai loại dầu thô đều chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 và một số nguồn tin OPEC dự báo mức 100 USD/thùng không nằm ngoài tầm với.
Mối quan tâm về nguồn cung leo thang trong tuần này sau khi nhóm Houthi của Yemen tấn công UAE, làm tăng sự thù địch giữa nhóm liên kết với Iran và liên minh do Arab Saudi dẫn dắt.
Sau khi thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa gây ra vụ nổ xe tải chở nhiên liệu và khiến ba người thiệt mạng, phong trào Houthi cảnh báo họ có thể nhắm mục tiêu vào nhiều cơ sở hơn, trong khi UAE tuyên bố họ có quyền đáp trả các cuộc tấn công khủng bố này.
Cuộc tấn công nhằm vào đồng minh hàng đầu tại vùng Vịnh của Mỹ đưa cuộc chiến giữa nhóm Houthi và liên minh do Arab Saudi dẫn đầu lên một tầm cao mới, đồng thời có thể cản trở nỗ lực kiềm chế căng thẳng trong khu vực khi Mỹ và Tehran nỗ lực giải cứu thỏa thuận hạt nhân.
Nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy nhận định thiệt hại đối với các cơ sở khai thác dầu của UAE ở Abu Dhabi không đáng kể, nhưng nó đặt ra câu hỏi về sự gián đoạn nguồn cung lớn hơn nữa trong khu vực vào năm 2022.
"Cuộc tấn công làm gia tăng rủi ro địa chính trị trong khu vực và có thể báo hiệu thỏa thuận hạt nhân Iran - Mỹ không khả thi trong tương lai gần, nghĩa là dầu thô của Iran không còn trên thị trường, thúc đẩy nhu cầu đối với dầu thô cấp tương tự có nguồn gốc từ nơi khác", ông Dickson nói thêm.
Công ty dầu khí ADNOC của UAE cho biết họ đã triển khai các kế hoạch kinh doanh liên tục để đảm bảo nguồn cung sản phẩm không bị gián đoạn cho các khách hàng địa phương và quốc tế sau sự cố tại kho nhiên liệu Mussafah.
Trong khi đó, các nhà sản xuất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang gặp khó khăn để bơm ở công suất cho phép theo thỏa thuận OPEC+ với Nga và các đồng minh để tăng thêm 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng.
Theo Tài Chính Doanh Nghiệp