Diễn biến tiêu cực của nhóm bất động sản nói chung và các cổ phiếu đầu cơ họ FLC nói riêng trong 7 phiên gần đây đã khiến VN-Index giảm sâu ngày 17/1 và lần lượt rơi khỏi các ngưỡng hỗ trợ trước đó.
Một số cổ phiếu đã chiết khấu 20 - 35% kể từ vùng đỉnh, do đó tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán đã lỗ nặng, thậm chí những nhà đầu tư sử dụng margin (tiền vay từ các công ty chứng khoán để mua cổ phiếu) đang "ngồi trên ngọn cây thông" và chưa biết khi nào mới có thể bán ra cổ phiếu để cắt lỗ.
Ở một số công ty chứng khoán, hiện tượng bán lan cũng tương tự với tình trạng call margin chéo. Giả sử, khi tỷ lệ ký quỹ duy trì dưới 30%, công ty chứng khoán và môi giới sẽ gọi điện hoặc gửi email yêu cầu nộp thêm tiền ký quỹ hoặc bán bớt cổ phiếu, để nâng tỷ lệ ký quỹ duy trì về trạng thái an toàn (call margin).
Nếu hết hạn khách hàng không đóng thêm tiền hoặc bán cổ phiếu ra và tỷ lệ này giảm xuống dưới 25%, ngay lập tức công ty chứng khoán thực hiện bán cổ phiếu ra để thu hồi khoản tiền vay ký quỹ trước đó (call force sell).
Tuy nhiên, hiện nay nhiều mã gần như không có thanh khoản, chất lệnh dư mua sàn quá lớn khiến các công ty chứng khoán không bán được, buộc họ phải bán các mã cổ phiếu khác để thu tiền về. Vì vậy lệnh quét bán các cổ phiếu vô hình chung đang khiến thị trường rung lắc mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Trong bối cảnh ấy, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán, nhà đầu tư nên hạn chế mua bán cổ phiếu ở vùng giá hiện tại cũng như không mua đuổi cổ phiếu trong nhịp tăng. Những nhà đầu tư nắm giữ tỷ lệ lượng tiền mặt lớn có thể mua kiểm tra đáy trong cú chỉnh mạnh với các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 hoặc giao dịch trên các cổ phiếu có sẵn để hạ giá vốn xuống.
Phiên đáo hạn phái sinh thứ Năm tuần này có thể xảy ra hiện tượng rung lắc khi nhà tạo lập điều tiết chỉ số. Thị trường có thể liên tục xuất hiện các nhịp kéo đạp nên nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế xem bảng điện tử để tránh việc tâm lý bị ảnh hưởng, chờ đợi điểm cân bắng mới để ra lệnh mua/bán.