Cuộc đua miễn phí chuyển tiền online nóng trở lại

Theo The Leader 09:15 01/01/2022

Sau các ngân hàng tư nhân, Vietcombank, BIDV, Vietinbank vừa đồng loạt thông báo ngừng thu phí chuyển tiền online và duy trì dịch vụ ngân hàng số từ đầu năm 2022

Vietcombank vừa có thông báo về việc kể từ ngày 1/1/2022, ngân hàng sẽ miễn phí hoàn toàn các giao dịch chuyển tiền trên kênh ngân hàng số VCB Digibank, miễn phí duy trì dịch vụ VCB Digibank và phí quản lý 01 tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank.

--

Đây là một tin vui với những người dùng dịch vụ Vietcombank vì trước đó mức phí của ngân hàng này áp dụng là khá cao so với các nhà băng khác.

Chẳng hạn phí chuyển tiền nhanh 24/7 khác hệ thống Vietcombank là từ 5.000 đồng/giao dịch đến 1 triệu đồng/giao dịch. Hay kể cả chuyển tiền trong hệ thống Vietcombank cũng mất 2.000-5.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT). Ngoài ra, phí quản lý tài khoản mặc định trên VCB Digibank là 2.000 đồng/tháng, phí duy trì dịch vụ VCB Digibank là 10.000 đồng/tháng.

Không chỉ Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng ngừng thu phí chuyển tiền online và duy trì dịch vụ ngân hàng số từ đầu năm 2022. Trước đó, hồi giữa tháng 5, Agribank đã thực hiện miễn phí chuyển tiền trực tuyến cho tất cả các khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số mà không yêu cầu điều kiện kèm theo.

Với diễn biến này, cả 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh đã chính thức ngừng thu phí chuyển tiền online cho tất cả các khách hàng cá nhân. Đây là điều bất ngờ với giới trong ngành, đặc biệt với trường hợp của Vietcombank.

Bởi lẽ, theo số liệu từ báo cáo tài chính của ngân hàng này, trong giai đoạn 2016-2020, khoản thu từ dịch vụ thanh toán (với sự đóng góp chính của các loại phí chuyển khoản) đã tăng hơn 2,2 lần từ mức 2.744 tỷ đồng vào năm 2016 lên 6.155 tỷ đồng trong năm 2020. Đồng thời, nguồn thu này luôn chiếm từ 60 – 70% tổng thu nhập hoạt động dịch vụ của Vietcombank.

Sau khi trừ chi phí, lãi thuần từ hoạt động thanh toán của Vietcombank cũng tăng gấp 2,7 lần, từ mức 1.049 tỷ đồng vào năm 2016 lên 2.782 tỷ đồng vào năm 2020. Con số này tương đương một nửa tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ mà Vietcombank thu được trong giai đoạn trên.

Tương tự, tại Vietinbank, năm ngoái ngân hàng này đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động thành toán gần 1.700 tỷ đồng, chiếm 40% tổng lãi hoạt động dịch vụ. Con số này của năm 2019 là hơn 1.600 tỷ đồng.

Còn tại BIDV, năm 2020, lãi thuần từ hoạt động thanh toán đạt hơn 3.300 tỷ đồng tăng 22% so với năm 2019 (khoảng 2.700 tỷ đồng). Các năm trước đó, BIDV cũng đạt khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm lãi thuần từ hoạt động này, đóng góp chủ yếu vào lãi dịch vụ của ngân hàng.

Lý giải về việc các ngân hàng quyết định từ bỏ hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận này, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, một phần nguyên nhân có thể xuất phát từ sức nóng của chiến lược chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực tế, cuộc đua miễn phí chuyển tiền miễn đã có từ nhiều năm trước và Techcombank được xem là nhà băng dẫn đầu xu hướng này từ năm 2016. Tiếp theo đó là MB, TPBank, VPBank, VietCapitalBank, MSB...Phần lớn những nhà băng còn lại trên thị trường cũng có chính sách này nhưng vẫn có điều kiện đi kèm.

Chính sách miễn phí này đã mang về cho nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân nhiều lợi ích. Có thể kể đến như Techcombank đã đón nhận lượng tiền gửi không kỳ hạn rất lớn, không ngừng tăng trưởng qua các năm. So với các hình thức huy động vốn khác, đây là nguồn chi phí vốn giá rẻ mà các ngân hàng đều hướng tới.

Tuy nhiên, với sự nhập cuộc của nhóm các quốc doanh với thị phần lớn trên thị trường, theo đánh giá của giới ngân hàng có thể khơi mào cho một cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt hơn.

Bằng chứng là ngay sau động thái của nhóm quốc doanh, VietCapital Bank cũng ra thông báo miễn phí toàn bộ 12 loại phí cho tất cả khách hàng cá nhân ngân hàng điện tử qua Internet Banking và Mobile Banking từ đầu năm sau.

Bạn đang đọc bài viết Cuộc đua miễn phí chuyển tiền online nóng trở lại tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng