Lãi suất huy động hiện đang ở vùng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Lãi suất thấp khiến người dân không "mặn mà" khi gửi tiền vào ngân hàng. Số liệu từ NHNN cho thấy, tiền gửi dân cư liên tiếp tăng trưởng âm trong các tháng gần đây (tháng 8, tháng 9)
Bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp, người dân lâm vào tình cảnh khó khăn và họ kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm để giảm chi phí vốn và áp lực tài chính. Nhưng lãi suất không thể giảm mãi được.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng mặt bằng lãi suất hiện nay đã rất thấp và không thể đặt ra việc giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra trong bối cảnh hiện nay. Ông cho biết lãi suất đầu vào của các ngân hàng bình quân hiện nay ước khoảng 5 - 5,5%/năm, nếu lạm phát khoảng 3% thì người gửi tiền mới có lãi suất dương.
"Nếu lãi suất ngân hàng thấp thì người dân sẽ không gửi tiền nữa bỏ tiền đầu tư vàng, bất động sản,… mà ngân hàng phải ổn định được lãi suất đầu vào thì mới có nguồn để cấp tín dụng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Trên thực tế, môi trường tiền "rẻ" đã khiến dòng vốn chảy vào các kênh đầu tư rủi ro tại Việt Nam trong thời gian qua như chứng khoán, bất động sản. VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới với thanh khoản kỷ lục, sự bùng nổ của các nhà đầu tư F0, giá bất động sản tại nhiều khu vực tăng cao,... cho thấy sự chuyển dịch của dòng tiền đầu tư.
Việc điều hành lãi suất của NHNN trong thời gian tới sẽ chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó lạm phát là biến số lớn nhất.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 vừa qua, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết NHNN sẽ tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, không chủ quan với vấn đề lạm phát và an toàn của tổ chức tín dụng.
Ông cho rằng nếu nguy cơ lạm phát hiện hữu, NHNN sẽ phải thực hiện các biện pháp có thể ảnh hưởng đến thanh khoản và lãi suất thị trường.
Áp lực lạm phát lớn trong năm 2022
Chuỗi cung ứng đứt gãy, các cú sốc tiêu cực về nguồn cung, những gói kích thích kinh tế với quy mô chưa từng có tiền lệ, cùng với mối lo ngại về biến chủng mới COVID-19 đang khiến các nước phát triển đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao.
Đơn cử như tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 tăng tới 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại. Hay tại khu vực đồng tiền chung Euro, CPI đã tăng lên 4,9% trong tháng 11, mức cao nhất trong 25 năm kể từ khi số liệu được tổng hợp, đồng thời cao hơn dự báo tăng 4,5% của thị trường.
Đáng nói, biến thế Omicron không những khiến nền kinh tế giảm lạm phát mà còn hoàn toàn ngược lại, gây áp lực phong tỏa tại các trung tâm sản xuất quan trọng, làm trầm trọng thêm gián đoạn nguồn cung. Chi phí vận chuyển hàng hóa tiếp tục tăng cao trở lại.
Do đó, xu hướng điều hành chung của các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới là giảm dần các biện pháp từ chính sách tiền tệ, rất ít NHTW giảm lãi suất. Từ đầu năm tới nay, đã có 93 lượt tăng lãi suất của các NHTW, và tính từ tháng 9 tới nay có khoảng 50 lượt.
Dữ liệu thống kê cho thấy lạm phát hiện tại ở Việt Nam lại chưa có sự đồng pha so với thế giới.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, CPI tháng 11 chỉ tăng 0,32% (khu vực thành thị tăng 0,27%; khu vực nông thôn tăng 0,37%). CPI bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất kể từ năm 2016 và cũng chủ yếu do giá xăng dầu tăng.
Theo nhận định của giới phân tích, nguyên nhân đến từ do cấu trúc rổ hàng hóa của Việt Nam để tính CPI mang tính chất đặc thù, với 1/3 là lương thực thực phẩm, rất khác với rổ hàng hóa với quốc gia phát triển.
Một nguyên nhân khác liên quan đến các gói kích thích đã thực hiện thời gian qua. Tại Việt Nam, con số giải ngân thực tế chỉ ở mức 2% GDP, khá khiêm tốn so với mức 10% của các quốc gia khác.
Ngoài ra, năm 2021 cũng chứng kiến sự mạnh lên của VND, do đó, phần nào giúp hạn chế được nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, đó chỉ là dữ liệu lịch sử, áp lực lạm phát được đánh giá sẽ lớn hơn nhiều trong năm 2022.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng đánh giá: "Áp lực lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới là rất lớn".
Theo khảo sát của NHNN, các ngân hàng dự báo CPI năm sau có thể đạt 3,08%; trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng có thể lên tới 3,79% thậm chí cao hơn.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), có 4 yếu tố có thể gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2022 bao gồm rủi ro gia tăng nhập khẩu lạm phát; tình trạng khan hiếm, mất cân đối cung cầu lao động; biến động giá hàng hóa; và kịch bản gói kích thích kinh tế nếu được thông qua.
Lãi suất điều hành khó giảm trong năm 2022?
Trước áp lực lạm phát, giới phân tích đưa ra nhiều kịch bản đối với việc điều hành lãi suất của NHNN trong năm 2022. Song, phần lớn vẫn kỳ vọng lãi suất vẫn sẽ được giữ ở mức thấp, với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV, dự báo lạm phát năm sau sẽ dao động từ 3,5 - 3,8%. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát tăng trên 4% là hiện hữu, khi Chính phủ nhiều khả năng thông qua gói kích thích kinh tế quy mô lớn (tương đương khoảng 4 - 5% GDP).
"Trong bối cảnh cho phép, nếu lạm phát ở dưới mức 4%, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại. Mặt khác, nếu xuất hiện những rủi ro khiến lạm phát vượt qua 4%, không loại trừ NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành trở lại. Tuy nhiên, mức tăng sẽ tương đối thấp, khoảng 0,25 điểm %", vị Giám đốc KBSV dự báo.
Theo Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng Việt Nam chưa lạm phát cao nhưng không thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Theo đó, chính sách tiền tệ chỉ cần duy trì ở trạng thái đảm bảo thanh khoản tốt, ổn định mặt bằng lãi suất.
"Nếu áp lực lạm phát xuất hiện, NHNN buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Nếu phải chống lạm phát thì có thể phải thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, áp lực này trước mắt chưa lớn, có thể vẫn còn tốt cho đến tháng 4 năm sau", ông nói.
Chuyên gia này dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức khoảng 13 - 13,5%. NHNN sẽ linh hoạt đổi hướng chính sách nếu áp lực gia tăng. Nếu lạm phát được kiểm soát, NHNN sẽ chưa tăng lãi suất trở lại.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư mới công bố, Chứng khoán VNDirect nhận định NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất cho đến cuối quý II/2022 để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế bất chấp áp lực lạm phát gia tăng.
"Bất kỳ hành động thắt chặt tiền tệ nào sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là trong nửa cuối năm 2022 và mức độ tăng lãi suất nếu có sẽ rất hạn chế, chỉ ở mức 0,25 - 0,5%", các chuyên gia VNDirect nhận định.
Với giả định NHNN sẽ không nâng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2022 nhằm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, nhóm phân tích kỳ vọng NHNN sẽ sử dụng các công cụ thông qua thị trường mở. Chẳng hạn như mua ngoại hối và bơm tiền đồng ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản hoặc nâng trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Lãi suất tiền gửi khó duy trì ở mức thấp
Các chuyên gia của VNDirect cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại do ba yếu tố gồm: nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng; áp lực lạm phát trong năm 2022 và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.
VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng 0,3 – 0,5 điểm % trong năm 2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh.
Đồng thời, lãi suất cho vay sẽ giảm trung bình từ 0,1 - 0,3 điểm % vào năm 2022 nhờ các chính sách hỗ trợ, cấp bù lãi suất của NHNN nhất là khi Chính phủ đang có kế hoạch mở rộng quy mô gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp lên đến 10.000 -20.000 tỷ đồng.