HSBC dự báo tăng trưởng Việt Nam đạt 6,2%

Theo Người đưa tin 21:27 31/03/2022

HSBC hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2022 từ 6,5% (hồi tháng 1) xuống 6,2% do nguy cơ ảnh hưởng từ việc thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu.

Ngân hàng HSBC vừa phát hành báo cáo "Vietnam at a glance", theo đó, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, cộng thêm việc Việt Nam đã mở cửa biên giới từ giữa tháng 3, tạo điều kiện hồi sinh ngành du lịch nên hầu hết các ngành đã tăng tốc trở lại.

Theo HSBC, Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022 với GDP Quý 1/2022 tăng ở mức 5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi trên diện rộng. Một mặt, động lực tăng trưởng bên ngoài đã tăng tốc trở lại. Không chỉ hưởng lợi từ chu kỳ công nghệ được kéo dài, các ngành trọng điểm khác cũng có kết quả rất tốt. Thêm nữa, tiêu dùng cá nhân tiếp tục phục hồi dù còn chậm. Việt Nam cũng đã gia nhập đội ngũ các nước mở cửa biên giới từ giữa tháng 3, tạo điều kiện sẵn sàng hồi sinh ngành du lịch đã bị tổn thương.

Tuy nhiên, HSBC cũng chỉ ra yếu tố cản trở tăng trưởng trong thời gian tới.

Cụ thể, một loạt thách thức nổi lên trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều này khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại. Chỉ tính riêng trong tháng 3, nhập khẩu dầu thô đã tăng gấp đôi còn nhập khẩu xăng tăng gấp bốn lần mức bình quân tháng so với cùng kỳ năm trước.

Cũng bởi tác động do giá dầu tăng, ngân hàng này dự báo Việt Nam có thêm một năm thâm hụt tài khoản vãng lai, mặc dù ở mức độ khiêm tốn chỉ khoảng 0,2% GDP. Xét những khó khăn bên ngoài, nhà băng này cũng đã tăng nhẹ mức dự báo tỷ giá USD/VNĐ trong ngắn hạn, nhưng mức dự báo đến cuối năm vẫn ở mức 22.800 đồng.

Mặc dù xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, thặng dư thương mại của Việt Nam trong quý I/2022 thu hẹp xuống mức tối thiểu 0,8 tỷ USD. Kết quả này không ngoài tầm dự đoán vì bản chất lĩnh vực sản xuất của Việt Nam luôn cần phải nhập khẩu nhiều. Thực tế, nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và một nửa trong số đó là linh kiện điện tử. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu, giá nhiên liệu tăng cao là vấn đề thu hút sự quan tâm.

Kinh tế vĩ mô - HSBC dự báo tăng trưởng Việt Nam đạt 6,2%

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1/2022 trên mọi lĩnh vực. (Ảnh: HSBC)

HSBC chỉ ra doanh thu bán lẻ phục hồi chưa mạnh, với quý I/2022 chỉ đạt mức 2,5% so với cùng kỳ 2021. Một phần lý do là thị trường lao động còn yếu. Trong khi đó, giá dầu tăng làm tăng chi phí sinh hoạt và làm chậm quá trình phục hồi tiêu dùng cá nhân.

Dù hạ mức tăng trưởng từ 6,5% (hồi tháng 1) xuống 6,2%, HSBC vẫn cho rằng, với dự báo GDP mới, nhiều khả năng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng vượt bậc trong khu vực năm nay. Còn theo mục tiêu của chính phủ, GDP 2022 nằm trong khoảng 6-6,5%

Ngoài ra, HSBC giữ nguyên dự báo lạm phát 3,7% đã điều chỉnh tăng gần đây, tức vẫn dưới mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước. Báo cáo chỉ ra lạm phát toàn phần tháng 3 tăng lên 0,7% so với tháng trước khiến mức tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 2,4%. Tương tự như những tháng trước đây, chi phí vận chuyển tăng cao vẫn là nguyên nhân chính. Thực tế, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tăng bẩy lần liên tiếp kể từ đầu tháng 12, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3. Để ứng phó với tình hình này, các cơ quan chức năng đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu từ 1/4 tới cuối năm 2022.

"Điều may mắn là lạm phát của Việt Nam về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát so với các thị trường mới nổi khác, xét bối cảnh giá thực phẩm và áp lực giá do nhu cầu về cơ bản đã được kiểm soát", báo cáo nêu.

Mặc dù vậy, HSBC nhấn mạnh, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. "Vì vậy, chúng tôi đã đẩy dự báo mức điều chỉnh tăng 50 điểm cơ sở lên quý III/2022 (trước đây dự báo Quý IV/2022), nhiều khả năng sẽ khiến lãi suất điều hành tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022", theo báo cáo.

Bạn đang đọc bài viết HSBC dự báo tăng trưởng Việt Nam đạt 6,2% tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự