Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu bắt đầu từ năm 2021 cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Giá nhiên liệu, giá thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, nhất là những người có thu nhập thấp. Một trong những nguyên nhân chính là từ khủng hoảng Ukraine.
Trong năm 2021, giá khí đốt đã tăng 800%. Tại châu Âu, giá khí đốt tăng theo tỷ thuận với giá điện, giá dầu, dẫn đến tình trạng “lạm phát quốc tế”.
Tại Pháp, giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Một người tiêu dùng ở Pháp trả lời Reuters: “Trước kia khi tôi đổ đầy bình xăng, tôi chỉ phải trả khoảng 60-70 euro, bây giờ giá lên đến 90 euro. Thật không thể tin được!”
Tại Anh, giá khí đốt bán buôn đã tăng 400% trong năm qua buộc 26 nhà cung cấp năng lượng phá sản kể từ tháng 8/2021. Ở Hy Lạp, hàng ngàn nông dân lái xe kéo đến đường cao tốc biểu tình kêu gọi hỗ trợ tài chính vì cuộc khủng hoảng năng lượng đẩy giá thực phẩm, nhiên liệu và phân bón lên cao, đe dọa đến sinh kế của họ.
Trả lời hãng tin AP, một nông dân cho biết: “Năm 2021, giá phân bón là 500 euro (570 USD)/tấn. Năm nay, mua phân bón đắt ngang với mua ruộng, khoảng 1.700-1.800 euro/tấn. Tình trạng nghịch lý này xảy ra bởi vì giá khí đốt tự nhiên và dầu đã tăng lên.”
Những nguyên nhân trực tiếp
Châu Âu phải đối mặt với cán cân cung cầu bất ổn. Nhà kinh tế Benjamin Coriat, giải thích các lý do dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng trên đài truyền hình France 24 như sau: "Có rất nhiều sự kiện hội tụ và dẫn đến việc giá năng lượng tăng cao. Đầu tiên là kinh tế phục hồi sau đại dịch nhanh hơn dự kiến.
Thêm vào đó là khả năng các nước phương Đông, nhất là Trung Quốc, đã thành công thu hút được các tàu chở khí đốt hơn là châu Âu. Tại phía Bắc, năng lượng gió không đủ để cung cấp nhiên liệu. Tiếp đó là việc tập đoàn năng lượng Nga Gazprom dường như không muốn cung cấp khí đốt cho châu Âu theo dự kiến.
Chuyên gia về năng lượng tại tổ chức tư vấn Colombus Consulting, ông Nicolas Goldberg cho biết mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch của Liên minh châu Âu (EU) dẫn đến nhu cầu về khí đốt tự nhiên tăng cao: “Giá năng lượng gia tăng có thể được lý giải một phần bởi giá của CO2 tăng cao.
Khí đốt là một loại năng lượng hoá thạch và sản sinh ra CO2. Các chính sách khí hậu của EU hướng đến việc định giá carbon để tiến đến quá trình chuyển đổi năng lượng nên giá khí đốt cũng tăng theo".
Quá trình chuyển đổi năng lượng sang các loại năng lượng tái tạo từ Mặt Trời và gió không đáp ứng được nhu cầu do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Một số lý do khác được đưa ra để giải thích hiện tượng này, ví dụ như việc châu Âu có mùa Đông lạnh hơn và kéo dài, nên cần sử dụng nhiều năng lượng hơn để sưởi nhà vào dịp này.
Đại dịch COVID-19 làm thị trường dầu khí chững lại
Đối mặt với nhu cầu về dầu khí, điện tăng cao, các quốc gia sản xuất năng lượng không theo kịp. Các mỏ dầu và khí đốt nhận được ít bảo trì và đầu tư trong cuộc khủng hoảng COVID-19, khiến các quốc gia cung cấp khí đốt lớn sản xuất ít hơn.
Tại Diễn đàn Năng lượng Quốc tế diễn ra vào ngày 16/2 tại Saudi Arabia, Tổng thư ký của sự kiện, ông Joseph McMonigle, cho biết: “Mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu đã giảm 5% vào năm 2020 do đại dịch COVID-19, hiện quay trở lại ở mức trước đại dịch, bao gồm cả nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên đầu tư vào dầu khí hiện thấp hơn 23% so với năm 2019.
Việc các nhà đầu tư do dự và các hạn chế đặt ra đối với các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường. Tình trạng thiếu hụt năng lượng đã trở nên nghiêm trọng hơn trong trong đại dịch, như chúng ta đã biết, người tiêu dùng đang phải đối mặt với việc giá cả tăng mạnh”.
Ngoài ra, các nhà sản xuất khí đốt hàng đầu của châu Âu như trường hợp của Hà Lan, đã bắt đầu cắt giảm dần hoạt động tại mỏ khí đốt chính Groningen vào năm 2018. Châu Âu cũng gặp phải vấn đề về dự trữ, bởi thông thường lượng khí đốt tiêu thụ vào mùa Đông và tích trữ vào mùa Hè, các kho dự trữ của châu Âu không tích trữ đủ vào năm 2020.
Vào tháng 1/2022, hơn một nửa cơ sở dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu bị bỏ trống, trong khi đó, hàng tháng, châu Âu nhập khẩu khí đốt tự nhiên luôn ở mức kỷ lục kể từ năm 2011.
Căng thẳng Nga - Ukraine làm giá biến động mạnh
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thường xuyên được các nhà quan sát thị trường đưa ra để giải thích cho việc giá cả tăng cao. Căng thẳng leo thang đã làm trầm trọng thêm sự biến động của giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu.
Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, chiếm hơn 40% tổng sản lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Vào quý cuối cùng của năm 2021, Nga đã giảm lượng khí đốt xuất khẩu xuống còn 25% so với cùng kỳ năm 2020, mặc dù giá bán tăng cao.
Theo đài truyền hình Euronews, 40 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu gần đây đã kêu gọi mở một cuộc điều tra về việc liệu tập đoàn năng lượng của Nga Gazprom có đang giữ lại khí đốt tự nhiên để thúc đẩy phê duyệt đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) hay không.
Nguyên do là vì vào tháng 9/2021, phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết việc vận hành đường ống mới sẽ giúp cân bằng đáng kể giá khí đốt ở châu Âu. Nord Stream 2 vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Mỹ do lo ngại về việc các đối tác châu Âu ngày càng phụ thuộc vào Nga về mặt năng lượng.
Tìm nguồn cung mới nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga
Các lệnh trừng phạt nhắm đến Nga làm dấy lên lo ngại về biện pháp trả đũa của Nga, đó là ngừng giao khí đốt cho châu Âu.
Trước tình hình nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn giúp các đồng minh châu Âu của mình thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gấp rút đàm phán với các nhà sản xuất khí đốt lớn trên toàn thế giới như Bắc Phi, Trung Đông, châu Á và Mỹ về việc tăng sản lượng và vận chuyển đến châu Âu.
Tuy nhiên, theo Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế IRIS, ông Francis Perrin nếu như các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga, thì Nga và Gazprom cũng cần thị trường châu Âu.
Theo hãng tin AP, trong khi châu Âu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng, và lạm phát, Mỹ đã nắm bắt cơ hội xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu.
Vào tháng 12/2021, Mỹ đã xuất khẩu 7,7 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng và lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới vượt trước Qatar và Australia. Theo dự báo sản lượng xuất khẩu khí đốt của Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng vào năm 2022.
Báo The Wall Street Journal cho biết giá khí đốt ở châu Âu cao gấp 4 lần so với thông thường, các nhà xuất khẩu khí đốt Mỹ thu được nhiều lợi nhuận.