Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện nay hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đang gia tăng. Theo đó, các hành vi vi phạm về TMĐT ngày càng diễn ra tinh vi, hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức và một số mô hình hoạt động TMĐT mới đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước…
Cũng theo Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về TMĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực giúp nhận thức của người dân dần được nâng cao. Trên cơ sở Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều vụ việc vi phạm hành chính trong TMĐT, nhiều trường hợp liên quan tới hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet. Bên cạnh đó, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã được xây dựng khá chi tiết và đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường TMĐT phát triển nhanh và liên tục, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh.
Do vậy, Bộ Công Thương cho biết đang rà soát và đề xuất sửa đổi bổ sung một số quy định trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Cụ thể sẽ xem xét sửa quy định về: Điều kiện thiết lập các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh; Minh bạch hóa thông tin sản phẩm đặt biệt là quy định về ghi nhãn hàng hóa hiện hành, kể cả nhãn phụ, nhãn gốc, các thông tin cụ thể cần phải đăng tải khi bán hàng, thông tin về người bán…
Tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý hoạt động TMĐT trên sàn. Quy định cụ thể về hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý mạng xã hội; Các vấn đề bán hàng xuyên biên giới; Điều chỉnh các mô hình kinh doanh mới như mô hình kinh tế chia sẻ, trung gian cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ..
Ngoài ra, về chế tài xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử, Bộ Công Thương đang xem xét đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, sẽ xem xét quy định tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi như: Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Hành vi kinh doanh dịch vụ cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác.
Liên quan tới vấn đề trên, theo Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, hiện nay, các chính sách liên quan đến TMĐT đã không còn “phủ” đủ tốc độ phát triển của thị trường TMĐT. Về phía Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các cơ quan liên quan trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cần phát hiện, tổng hợp những vấn đề, bất cập còn tồn tại; Chủ động đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, pháp luật cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong TMĐT.
Tổng cục sẽ tập hợp những bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước. Trước mắt, cần phải ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn với các mặt hàng bày bán trên các website, ứng dụng TMĐT.
Bảo Lâm