Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, ngày 19/11 cho biết các quy định mới trong học thuyết hạt nhân của Nga có khả năng dẫn đến Thế chiến 3 nếu Kiev quyết định sử dụng vũ khí NATO để tấn công lãnh thổ Nga.
"Trong trường hợp này, Nga có quyền phát động một cuộc tấn công trả đũa bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm vào Kiev và các cơ sở chính của NATO, bất kể chúng ở đâu. Và đó là lúc Thế chiến 3 nổ ra", ông Medvedev viết trên kênh Telegram, cảnh báo Ukraine và các đồng minh nên chuẩn bị cho các biện pháp trả đũa từ phía Nga.
Cảnh báo của ông Medvedev được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/11 ký phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi.
Học thuyết mới nêu rằng Moscow sẽ có quyền cân nhắc lựa chọn đáp trả hạt nhân nếu Nga hoặc Belarus bị tấn công bằng vũ khí thông thường và nếu hành động xâm lược đó tạo ra "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của hai nước.
Ngoài ra, bất kỳ hành động tấn công nào của một quốc gia phi hạt nhân có sự tham gia của một quốc gia hạt nhân chống lại Nga cũng bị coi là một cuộc tấn công chung và cũng có thể kích hoạt học thuyết hạt nhân mới của Nga.
Động thái của Nga diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga. Anh và Pháp dường như cũng có động thái tương tự, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga.
Sau khi công bố các quy tắc đã sửa đổi, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích, học thuyết mới trên thực tế trao cho Nga quyền cân nhắc phản ứng hạt nhân đối với việc Kiev sử dụng tên lửa phi hạt nhân do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Ông Andrey Klimov, phó chủ tịch ủy ban các vấn đề đối ngoại của quốc hội Nga, cho biết các điều khoản của học thuyết sửa đổi có thể sẽ được "nghiên cứu cẩn thận trong tương lai gần ở các quốc gia đối đầu" với Nga. Ông bày tỏ hy vọng rằng các nước này sẽ đưa ra kết luận phù hợp và nhận ra rằng "không nên đùa với lửa".
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia, Yuri Shvytkin, cũng cảnh báo Pháp và Anh nên nhận ra rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga bằng vũ khí của các nước này sẽ ngay lập tức bị Moscow trả đũa.
"Tôi nghĩ rằng một tín hiệu rõ ràng, không mơ hồ đã được đưa ra cho các nước phương Tây về việc không thể cung cấp các loại vũ khí này cho các chiến binh lực lượng vũ trang Ukraine", ông Shvytkin cho biết.
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga, Vladimir Bulavin, nói rằng Moscow vẫn coi vũ khí hạt nhân chỉ là một công cụ răn đe và coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ là biện pháp cuối cùng.
Ông giải thích rằng các quy tắc mới trong học thuyết hạt nhân nhằm "đảm bảo sự ổn định và khả năng dự đoán chiến lược", không ngụ ý "một sự thay đổi tự động về bản chất của các hành động đang được thực hiện".
Theo phóng viên chiến trường Thomas Roeper, Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đang khiến Tổng thống đắc cử Donald Trump khó tìm được giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
"Quyết định này cho phép Ukraine bắn vào Nga bằng tên lửa tầm xa, và câu trả lời có thể có của Nga, sẽ khiến ông Trump khó thoát khỏi cuộc xung đột này hơn", ông Roeper.
Nhà chiến lược chính trị và nhà bình luận Anthony Webber cho rằng, mặc dù Tổng thống Putin đã cố gắng thận trọng trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine để tránh leo thang, chính quyền Mỹ dường như đang hành động ngược lại.
"Đó là một quyết định rất liều lĩnh khi cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga và khuyến khích một số chính trị gia liều lĩnh ở châu Âu làm theo", ông Webber nói.
Theo Báo Dân Trí