Tài xế khốn đốn vì 'điệp khúc' xăng tăng giá

Theo Người đưa tin 22:25 05/03/2022

Việc xăng, dầu tăng giá mạnh đã khiến cho hoạt động kinh doanh vận tải - ngành nghề “sống nhờ vào xăng” lâm vào thế khó.

Thị trường xăng dầu trong nước đã có mức tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới.

Cụ thể, ngày 1/3 vừa qua là lần gần nhất, Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu. Điều này đã đẩy giá xăng dầu tăng đạt mức kỷ lục trong vòng 8 năm vừa qua.

Đòn đau từ "liên hoàn cước" giá xăng

Việc này khiến hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá theo, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, đặc biệt là các tài xế taxi và xe ôm công nghệ.

Anh N.T.A - một tài xế chở hàng của hãng Aha Move cho biết: “Hồi trước mình đổ đầy bình chỉ khoảng 50.000 đồng, bây giờ lên đến 80.000-100.000 đồng. Trong khi đó, chiết khấu trả cho ứng dụng vẫn như vậy nên thu nhập trung bình bị giảm đi nhiều.”

Chia sẻ thêm về những khó khăn hiện tại của tài xế, anh Đ. một lái xe chạy xe ôm công nghệ Grab chia sẻ: “Giá xăng tăng, lượng khách lại ít đi vì dịch bệnh, tài xế khổ đủ đường. Giờ đi làm thu nhập bị giảm nhiều so với trước kia, cuộc sống khó khăn hơn. Bỏ nghề bây giờ cũng chưa biết làm gì khác nên vẫn phải chạy xe thôi, kiếm được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Tiêu dùng & Dư luận - Tài xế khốn đốn vì 'điệp khúc' xăng tăng giá

Thu nhập của tài xế vận chuyển bị ảnh hưởng vì giá xăng tăng mạnh.

Tương tự như dịch vụ xe ôm công nghệ, taxi cũng gặp phải nhiều khó khăn trong thời điểm này.

Anh H - tài xế chạy taxi đã 14 năm chia sẻ: “Từ khi lái xe, chưa bao giờ tôi thấy nghề này khó khăn như hiện nay. Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều, khách giảm đáng kể, nhiều hôm cả ngày được có 1 cuốc xe. Thu nhập hàng tháng đã bị ảnh hưởng rồi, giờ giá xăng còn tăng, sau khi chia phần trăm với công ty và chi trả các chi phí khác thì lương cầm về chẳng được bao nhiêu”.

Tuy có nhiều khó khăn nhưng các tài xế vẫn cố gắng tìm mọi cách để có thể “sống chung với lũ”. Thay vì chạy xe trên các con phố để tìm khách, các tài xế giờ đã chuyển sang việc dừng đỗ tại các điểm có nhiều khách hàng tiềm năng như các tòa nhà văn phòng, công ty lớn hay khu công nghiệp,... để tiết kiệm chi phí xăng xe. Cùng với đó, các tài xế taxi cũng mở cửa sổ, hạn chế bật điều hòa nhằm tiết kiệm xăng và thoáng khí, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Có nhiều tài xế cũng đã bỏ nghề vì thu nhập giảm nhiều. “Ra Tết, nhiều lái đã nghỉ chạy để về quê do dịch bệnh không có khách, thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống, giờ thêm giá xăng tăng nên càng nhiều anh em có ý định nghỉ” - anh H cho biết thêm.

Tăng cước, giảm thuế

Đánh giá về tác động của việc tăng phi mã giá xăng dầu đến thị trường đặc biệt là ngành vận tải hiện nay, theo TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá xăng tăng đạt đỉnh cao nhất kể từ năm 2014 như hiện nay gây ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực vận tải. Các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng, đồng thời cũng gây tác động lên những người lao động như tài xế xe công nghệ, tài xế taxi,...

“Trong các chi phí của ngành vận tải, chi phí chi trả cho xăng dầu chiếm một khoảng cao, từ 30-36%. Khi giá xăng tăng thì giá thành của ngành vận tải cũng sẽ tăng cao. Trong bối cảnh này, nếu không điều chỉnh phù hợp thì ngành vận tải càng khó phục hồi sau dịch”, TS Ngô Trí Long cho hay.

Tiêu dùng & Dư luận - Tài xế khốn đốn vì 'điệp khúc' xăng tăng giá (Hình 2).

TS Ngô Trí Long đánh giá giá xăng tăng đạt đỉnh cao nhất kể từ năm 2014 như hiện nay gây ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực vận tải.

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Phó trưởng Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học GTVT cho biết, chi phí nhiên liệu thay đổi không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải mà còn tác động đến nền kinh tế bởi xăng dầu là yếu tố cấu thành nên giá sản phẩm.

“Giá xăng tăng dẫn đến chi phí vận tải lớn, do đó chi phí vận chuyển sản xuất và toàn bộ nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Như vậy, mọi mặt của đời sống đều bị tác động. Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là những doanh nghiệp vận tải và những tài xế lái xe, cùng với đó người tiêu dùng cũng phải chịu những ảnh hưởng gián tiếp”, ông Thái nhấn mạnh.

Trong bối cảnh giá nhiên tăng liên tục và chưa có dấu hiệu giảm, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước vận tải. Việc này giúp hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, chi phí xăng dầu tăng, việc giữ nguyên giá cước sẽ khiến doanh nghiệp bị thiệt hại lớn.

Doanh nghiệp vận tải thua lỗ, đồng nghĩa với việc lái xe sẽ mất thêm thu nhập, quyền lợi bị ảnh hưởng. Theo TS Ngô Trí Long, giải pháp cho ngành vận tải bây giờ là tăng giá cước. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tiết kiệm tất cả các chi phí khác.

Cũng bàn về giải pháp cho doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái đưa ra đề xuất giảm thuế đối với các doanh nghiệp vận tải.

“Nếu giá xăng tiếp tục tăng, vượt quá mức chịu đựng của người dân thì sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều, khi đó nền kinh tế khó có thể ổn định và phát triển. Về phía Nhà nước cần có những chính sách giảm mức thu hoặc giai đoạn này tạm thời chưa thu các loại thuế như thuế xăng dầu và đặc biệt là thuế môi trường đối với các doanh nghiệp vận tải”, ông Thái cho biết.

Theo dự báo, giá xăng có thể chạm đến ngưỡng 150 USD/thùng nếu tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine còn kéo dài. Do vậy, để có thể bù chi phí và giúp các tài xế giảm bớt gánh nặng về thu nhập, việc tính đến phương án tăng giá cước sử dụng dịch vụ là điều ột sớm một chiều mà doanh nghiệp cần thực hiện.

Tiêu dùng & Dư luận - Tài xế khốn đốn vì 'điệp khúc' xăng tăng giá (Hình 3).

Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa dám tăng cước bởi lo ngại sẽ không có hành khách đi xe.

Bạn đang đọc bài viết Tài xế khốn đốn vì 'điệp khúc' xăng tăng giá tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự