UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Công thương về tình hình đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Theo UBND TPHCM, tính đến ngày 21/2, trên địa bàn thành phố có 548 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 57 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 21 đại lý bán lẻ.
Hiện có 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động do thực hiện sửa chữa và bàn giao đại lý. Hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay trên địa bàn TP.HCM có công suất chứa khoảng 1.232.129 m3; Tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân đạt 6.880 m3/ngày.
Theo UBND TP.HCM, trong thời gian tới, tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung ứng và hoạt động phân phối xăng dầu trên địa bàn.
Bên cạnh đó, qua khảo sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh doanh xăng dầu, ghi nhận tình trạng các cửa hàng xăng dầu gặp khó khăn trong việc mua hàng từ các đại lý, thương nhân phân phối nên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều đại lý có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ; Vẫn còn tình trạng một số ít cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung từ phía đơn vị cung ứng. Ngoài ra, có tình trạng thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu có trụ sở trên địa bàn chưa đảm bảo được mức dự trữ xăng dầu tối thiểu bắt buộc theo quy định.
Trước tình hình trên, để đảm bảo duy trì ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường nói chung và TP.HCM nói riêng, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, có ý kiến chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm, nhất là các trường hợp làm ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Theo đó, kiểm tra, xử phạt theo quy định đối với các doanh nghiệp đầu mối không cung cấp đủ sản lượng xăng dầu theo như đặt hàng hoặc hợp đồng ký kết; Doanh nghiệp không đảm bảo thực hiện dự trữ tối thiểu bắt buộc theo quy định cũng như không có kế hoạch nhập hàng để bổ sung dự trữ kịp thời, không đảm bảo được tổng cung để có nguồn hàng đảm bảo cung ứng.
Đồng thời, thông tin sớm kết quả xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp đầu mối, các tổ chức, đơn vị kinh doanh xăng dầu để qua đó kịp thời cảnh báo, tác động và góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.