Giá xăng “đang gánh” các loại thuế, phí nào?
Sau đợt điều chỉnh chiều 21/2, giá xăng trong nước đã vượt 26.000 đồng/lít với xăng RON95, lên 26.280 đồng, vượt mức “đỉnh” vào tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít). Trong khi đó, giá xăng E5 RON92 chỉ thấp hơn mức “đỉnh” này hơn 100 đồng/lít, ở mức 25.530 đồng/lít.
Giá xăng trong nước điều chỉnh, theo liên bộ Công Thương - Tài chính, do giá dầu trên thị trường thế giới 10 ngày qua vẫn đi lên theo căng thẳng giữa Nga - Ukraine và khan hiếm nguồn cung trong nước.
Hiện nay, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng bao gồm giá CIF (giá giao tại cảng dỡ hàng của người mua, gồm chi phí, bảo hiểm, cước tàu) và các loại thuế, phí.
Trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện nay, mỗi lít xăng, dầu đang “gánh” các loại thuế, như: thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế bảo vệ môi trường (3.800 - 4.000 đồng với xăng; 2.000 đồng một lít với dầu); thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng/lít xăng; 600 - 950 đồng/lít tuỳ loại dầu.
Như vậy, ước tính trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 42 - 43% đối với mặt hàng xăng và khoảng 30% đối với mặt hàng dầu.
Giảm thuế bảo vệ môi trường để kìm giá xăng
Trong các loại thuế phí, thuế bảo vệ môi trường được coi là loại thuế đánh nặng nhất vào các mặt hàng xăng dầu. Mức thuế này đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối thay vì tỉ lệ % nhiều loại thuế khác.
Chẳng hạn, với giá xăng RON95 là 26.280 đồng/lít và xăng E5RON 92 là 24.570 đồng/lít, mức thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4000 đồng/lít đang chiếm khoảng 6,5% giá bán lẻ các loại xăng. Do đó, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh, chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu là không đổi.
Điều hành xăng dầu là nhiệm vụ của Bộ Công Thương, nhưng chính sách giảm thuế phí thì do Bộ Tài chính tính toán. Thực tế, nhiều năm nay Bộ Công Thương đã kiến nghị giảm thuế phí trong một lít xăng dầu, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa đồng thuận vì nguồn thu từ thuế phí xăng dầu đóng góp lớn cho ngân sách.
Trong ngày 22/2, trước tình hình giá xăng dầu trong nước vẫn còn nhiều căng thẳng, cần sớm được giải quyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký đã ban hành Công điện số 160 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Đề xuất phương án giảm thuế của hai Bộ cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2/2022.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ quan ngại về việc giá xăng dầu tăng phi mã hiện nay còn là yếu tố quan trọng đe dọa đến lạm phát trong thời gian tới.
Nói về việc đánh thuế bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu, bà Lan nhấn mạnh đây là việc cần thiết vì xăng dầu là mặt hàng gây ô nhiễm, hơn nữa, đây sẽ là nguồn thu có ý nghĩa để bổ sung cho công tác chi vì môi trường.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đang ở mức cao, cần được xem xét lại, điều chỉnh cho phù hợp, nhất là bối cảnh giá xăng vẫn còn tiếp tục leo thang trong thời gian tới.
“Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần được xem xét giảm mạnh nhất trong số những loại thuế phí mà xăng dầu phải chịu, vì sắc thuế này đang cao ở mức cao, lại được tính theo một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối thay vì tỉ lệ % nhiều loại thuế khác. Nếu giảm được thuế này thì sẽ góp phần giảm giá xăng, giúp kiểm soát hoặc ít nhất là ổn định được lạm phát”, bà Lan nêu ý kiến.
Bà nhắc lại việc Chính phủ, Quốc hội đã bàn thảo, thông qua nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục sau thời gian dài chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh, trong đó có miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế.
“Các phần thuế khác được giảm, có thể không bù đắp nổi chi phí gia tăng do giá xăng dầu tăng mạnh vào đúng thời điểm doanh nghiệp trở lại thị trường và có nhu cầu sản xuất, vận chuyển hàng hoá rất lớn”, bà nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, Bộ Tài chính cùng các bộ liên quan nên tính đến việc giảm thuế, phí để kìm đà tăng của giá xăng dầu trong nước.
Ông đánh giá, có 2 công cụ để điều tiết giá xăng dầu đó thông qua Quỹ BOG và thuế. Hiện không còn dư địa để giảm giá xăng thông qua Quỹ BOG nhưng dư địa giảm thuế bảo vệ môi trường thì còn tương đối. Do đó, có thể xem xét đến công cụ này để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.
“Trong cơ cấu giá xăng dầu gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường… Với loại thuế bảo vệ môi trường, hiện thu cứng 3.800 đồng/lít với xăng E5 RON92 và 4.000 đồng mỗi lít RON95, còn dầu diesel là 2.000 đồng/lít. Trong cơ cấu các loại thuế này, về lâu dài, có thể xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường”, PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.
Chắc chắn phải sử dụng các công cụ thuế, phí khi giá xăng dầu tăng cao Trong báo cáo về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước được Bộ Công Thương thông tin tại cuộc họp với Ban Tuyên giáo Trung ương sáng 22/2, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu từ trước Tết Nguyên đán đến nay, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200 - 400 đồng/lít và điều chỉnh mức trích lập Quỹ BOG ở mức phù hợp để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tính toán phù hợp với tập quán kinh doanh, chu kỳ hàng hoá của các doanh nghiệp, chu kỳ để tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như đủ thời gian để cho cơ quan quản lý nhà nước cập nhật dữ liệu. Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá quá cao, quá phức tạp, ví dụ giả sử giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới cả kinh tế thế giới, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí. |
Nên tiến tới điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày Thừa nhận những nỗ lực trong việc chủ động nguồn cung xăng dầu nội địa, trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng các dự án lọc hóa dầu của Việt Nam hiện đã đáp ứng được khoảng hơn 70% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Song, thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn liên thông và phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới, khi vẫn phải nhập khẩu tới gần 30% lượng xăng dầu từ thị trường nước ngoài. Trong khi đó, hoạt động dự trữ xăng dầu của Nhà nước vẫn còn rất thấp khi Chính phủ yêu cầu các cơ sở doanh kinh doanh xăng dầu dự trữ tối thiểu 20 ngày. Đây là mức tổng thể dự trữ quá nhỏ so với nhu cầu phục vụ và phát triển của nền kinh tế quốc dân, nguồn dự trữ này không thể nào giúp cho nhà nước can thiệp cũng như tác động mạnh và lâu dài lên thị trường xăng dầu trong nước. Về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, theo TS.Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam đang dần xây dựng một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực sự. Thể hiện rõ nhất là thời gian điều chỉnh giá diễn ra trong vòng 1 tháng, sau đó giảm xuống 15 ngày và đến nay theo Nghị định 95, chu kỳ điều chỉnh giá đã giảm xuống còn 10 ngày. “Tới đây, để giá xăng dầu trong nước tiệm cận hơn với giá xăng dầu thế giới, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu nên rút ngắn xuống 7 ngày hoặc 5 ngày và nếu có thể nên rút ngắn hơn nữa xuống hàng ngày”, ông Thịnh nói. |