VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

NHVN 09:09 22/07/2020

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 ở mức 3,8% nếu dịch Covid-19 sẽ không tái phát trong nước trong khoảng thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II và 6 tháng năm 2020, nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 3,8% đối với kịch bản cơ sở (khả năng cao) và 2,2% với kịch bản bất lợi khả năng thấp).

VEPR đưa ra dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, với kịch bản cơ sở (khả năng cao): Trong kịch bản này, bệnh dịch sẽ không tái phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Tuy nhiên dịch Covid-19 ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có một khả năng tái bùng phát hoặc chưa đủ tự tin khiến các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III/2020, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và nhu cầu du lịch, lưu trú tại Việt Nam.

Theo đó, mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 3,8%. Nhìn chung, tăng trưởng trong các ngành nghề sẽ khiêm tốn, trong đó các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bao gồm dịch vụ lưu trú, ăn uống, ngành khai khoáng và ngành kinh doanh bất động sản.

Kịch bản bất lợi (khả năng thấp): Ở kịch bản này, bệnh dịch trong nước dù vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tuy nhiên nếu dịch Covid-19 ở các trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quý IV/2020, dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp.

Song song với đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%.

Nêu khuyến nghị chính sách, Báo cáo của VEPR nhấn mạnh, do nguồn lực tài khoá hạn hẹp, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự một số nước khác. “Trong trường hợp của Việt Nam, việc chủ động cắt giảm các chi phí bắt buộc như phí và hoãn/ giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp”, Báo cáo nêu rõ.

Đặc biệt, các tác giả Báo cáo cho rằng, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng “đệm tài khoá” để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19 hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này trong những năm tới.

Các chuyên gia cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, đầu tư công chính là giải pháp mũi nhọn chứ không phải cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai nên được ưu tiên hàng đầu và cần được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Song chính đây lại là điều “đáng lo ngại nhất”, theo VEPR. Do khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội chậm, thậm chí gần như bất khả thi, do mạng lưới thực thi kém hiệu quả và không tạo được niềm tin cho người dân.

Chính vì thế, một khuyến nghị quan trọng từ các chuyên gia là “trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch”.

Theo TCDN

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vepr-du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2020-o-muc-38-d14233.html

Bạn đang đọc bài viết VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự
Những năm gần đây, tín dụng đen thật sự trở thành tệ nạn nhức nhối trong xã hội. Việc xây dựng nền tài chính toàn diện là cách thức để Ngân hàng, ngành giữ vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế,.