Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách Trung ương năm 2021, Kho bạc Nhà nước đã điều chỉnh kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ của năm 2021 từ 350 nghìn tỷ đồng lên 373 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
Đây cũng là quy mô huy động dự kiến lớn nhất từ trước đến nay tính theo kế hoạch của một năm từ Kho bạc Nhà nước, trong bối cảnh tổng mức đáo hạn trái phiếu Chính phủ lên đến hơn 160 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.
Trái phiếu chính phủ (Ảnh minh họa) |
Trong quý IV/2020, Kho bạc Nhà nước dự kiến tổng mức phát hành theo kế hoạch là 135 nghìn tỷ đồng; trong đó, khối lượng phát hành nhiều nhất ở kỳ hạn 15 năm với 50 nghìn tỷ đồng, chiếm 37% và khối lượng ít nhất ở kỳ hạn 7 năm với chỉ 5 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hiện tại, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công 244 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 65% kế hoạch năm 2021 mới. Như vậy, áp lực huy động vốn dồn vào quý IV tương đối lớn.
Tuy nhiên, theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ sẽ không có nhiều bứt phá trong bối cảnh môi trường lợi suất thấp và nhu cầu cơ cấu lại danh mục trái phiếu Chính phủ không còn cao như giai đoạn đầu năm, khi lượng trái phiếu Chính phủ đáo hạn trong quý IV chỉ bằng 5% tổng lượng trái phiếu Chính phủ đáo hạn năm 2021. Mặt bằng lợi suất trúng thầu kỳ vọng sẽ duy trì đi ngang trong thời gian tới.
Về diễn biến của khối ngoại trên thị trường chứng khoán, theo SSI, lũy kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì mua ròng 9,5 nghìn tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu 7,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Trong khi tỉ lệ đăng ký vẫn duy trì ở mức tương đương với tuần trước, song tỉ lệ trúng thầu giảm mạnh xuống 30% - mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm nay. Không có khối lượng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 và 7 năm được phát hành thành công trong tuần qua, trong khi đó khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 15 năm giảm mạnh. Mặt bằng lãi suất trúng thầu tăng 1 điểm cơ bản ở kỳ hạn 10 năm, không thay đổi ở kỳ hạn 15 và 30 năm.
Bên cạnh đó, trên thị trường thứ cấp, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng giảm nhẹ. Chốt tuần ở mức: 1 năm (0,47%, -1 bps); 3 năm (0,77%; -5 bps); 5 năm (0,90%, -3 bps); 10 năm (2,14%, 12 bps); 15 năm (2,40%; -2 bps); 20 năm (2,82%, -1 bps); 30 năm (2,98%, 0 bps). Giá trị giao dịch tăng lên 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với tuần trước đó.
Cũng trên thị trường trái phiếu Cính phủ thứ cấp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng tuần thứ 4 liên tiếp với tổng giá trị là 113 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn duy trì mua ròng 9,5 nghìn tỷ đồng – cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Người đưa tin