Niềm tin tăng cao, vốn FDI vào Việt Nam sắp bứt tốc
Tại Hội nghị Nhà đầu tư thường niên của VinaCapital hồi đầu tháng 11/2024, các đại biểu tham dự Hội nghị đã bày sự khích lệ khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên tăng trưởng kinh tế của Đất nước sau khi có Tổng bí thư mới.
Ông Don Lam - Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cùng với ông Trần Quốc Khánh - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, từng là Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Việt Nam đã chia sẻ với các nhà đầu tư rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược tăng trưởng kinh tế dài hạn vốn đã mang lại nhiều thành công trong 20 năm qua, bao gồm việc thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường thương mại quốc tế.
Ông Trần Quốc Khánh cũng bày tỏ quan điểm rằng, Chính phủ sẽ không để chiến dịch chống tham nhũng trong những năm qua ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và ông kỳ vọng sẽ có nhiều nhà kỹ trị tham gia vào Chính phủ trong thời gian tới. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với sự chuyển dịch lớn của các động lực tăng trưởng ngắn hạn vào năm tới.
Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế Việt Nam gắn bó rất chặt chẽ với Mỹ, nên việc xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 30% trong năm nay là yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 (lưu ý rằng sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi mức tăng gần 50% trong xuất khẩu các sản phẩm điện tử và công nghệ cao khác, cùng với sự phục hồi của ngành Du lịch sau COVID-19 cũng hỗ trợ phần nào cho tăng trưởng năm nay).
Theo ông Michael Kokalari – CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, sự tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc của Việt Nam sang Mỹ trong năm nay sẽ chững lại vào năm tới, vì nền kinh tế Mỹ có khả năng hướng đến “hạ cánh mềm” với tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại (nhưng không sụp đổ). Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chậm lại sẽ dẫn đến sự giảm sút trong tăng trưởng sản lượng sản xuất, vì phần lớn sản phẩm sản xuất ở Việt Nam được bán ra cho khách hàng nước ngoài và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
“Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng xuất khẩu hoặc sản lượng sản xuất của Việt Nam sẽ thực sự giảm vào năm tới, vì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định đảm bảo rằng ngày càng có nhiều nhà máy mới bắt đầu sản xuất (và xuất khẩu) sản phẩm mỗi năm”, ông Kokalari nhận định.
Sức mạnh nội tại – chìa khóa tăng trưởng
VinaCapital dự báo, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong cả năm 2024 và 2025, mặc dù kỳ vọng cơ cấu tăng trưởng sẽ đến từ các yếu tố nội tại vào năm tới. Trong năm 2024, tâm lý người tiêu dùng tuy đã cải thiện dần, nhưng vẫn chưa khởi sắc, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Đất nước.
|
Theo ông Richard Burrage - người sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, chi tiêu cho nền kinh tế số ở Việt Nam (ví dụ như mua sắm trực tuyến, dịch vụ gọi xe…) đã tăng mạnh từ khoảng 1% GDP vào năm 2015 lên 7% hiện nay.
Tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế Việt Nam (so với khoảng 25% cho sản xuất), nên tiêu dùng mạnh mẽ hơn sẽ dễ dàng bù đắp cho sự tăng trưởng xuất khẩu/sản xuất chậm hơn. Chính phủ Việt Nam cho biết, sẽ tăng cường đầu tư đáng kể cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025 và Vinacapital kỳ vọng rằng, việc này cũng sẽ làm người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn để tăng chi tiêu.
Việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 5-6% GDP, không đủ để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hoặc củng cố niềm tin tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kết hợp với tiến độ nhanh hơn của các dự án hạ tầng như sân bay mới của TP. Hồ Chí Minh và đường vành đai mới tại Hà Nội có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn trong chi tiêu nhờ “hiệu ứng tài sản” liên quan đến bất động sản mà nhiều người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sở hữu.
“Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các bước quan trọng để hồi phục thị trường bất động sản vào năm 2025”, đại diện VinaCapital chia sẻ.
Về “bức tranh lớn” và tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, VinaCapital nhấn mạnh rằng, các động lực dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong thập kỷ tới bao gồm: Nhân khẩu học, đô thị hóa, giáo dục và nền kinh tế số.
Theo Tạp chí Tài chính