|
Chất lượng tài sản chưa cải thiện
Theo Báo cáo cập nhật ngành Ngân hàng của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), lợi nhuận trước thuế các ngân hàng thương mại trong quý III/2024 giảm 5,5% so với quý trước, do NIM thu hẹp, giảm 22 điểm cơ bản.
NIM tại các ngân hàng thương mại vốn nhà nước giảm 20 điểm cơ bản so với quý trước, trong khi NIM tại các ngân hàng thương mại tư nhân giảm mạnh hơn (-28 điểm cơ bản so với quý II/2024). Đáng chú ý, NIM tại các ngân hàng có dư nợ tăng mạnh ở lĩnh vực bất động sản (chủ đầu tư và mua nhà) trong quý III/2024 giảm mạnh hơn, gồm có Techcombank (-43 điểm cơ bản so với quý trước), MB (-40 điểm cơ bản so với quý trước), VPBank (-34 điểm cơ bản so với quý trước) và TPbank (-28 điểm cơ bản so với quý trước). Nguyên nhân chủ yếu là lợi suất sinh lời trên tài sản giảm.
Ngoài ra, các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng yếu trong quý III/2024 cũng có xu hướng NIM tương tự, bao gồm Vietcombank (-35 điểm cơ bản so với quý trước), ACB (-26 điểm cơ bản so với quý trước) và BIDV (-25 điểm cơ bản so với quý trước).
SSI Research cho rằng, nhu cầu tín dụng còn chậm và còn phân mảnh, điều này làm cho các ngân hàng phải áp dụng nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất thấp. Hơn nữa, việc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng làm cho lãi suất cho vay khó tăng trong khi lãi suất huy động đang tăng dần.
Ảnh hưởng đến lợi nhuận của Ngành còn do các hoạt động kinh doanh khác không có sự cải thiện, khi thu nhập thuần từ phí (NFI) giảm 18,6% so với quý trước. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán suy yếu, giảm 54,4% so với quý II/2024.
Tuy nhiên, điểm tích cực là, thu nhập từ nợ xấu đã xóa tăng mạnh (+20,8% so với quý trước) và dự phòng tín dụng giảm (-9% so với quý trước). Trong đó, Vietinbank là ngân hàng có mức thu nhập từ nợ đã xóa cao vượt bậc, với 3,9 nghìn tỷ đồng trong quý III/2024.
Về chất lượng tài sản các ngân hàng, thống kê của SSI Research cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại tư nhân lần lượt tăng 4 điểm cơ bản và 7 điểm cơ bản lên 1,49% và 2,59% trong quý III/2024. Tỷ lệ nợ xấu tăng chủ yếu tại các ngân hàng MB, TPBank, VIB và OCB. Trong khi đó, BIDV là nguyên nhân chính gây tỷ lệ nợ xấu tăng tại nhóm Big4.
Điểm sáng là tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm (-90 điểm cơ bản so với quý trước xuống 1,22%) trong quý III/2024. Cụ thể, tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm đáng kể so với quý trước tại VPBank (+ 495 điểm cơ bản) và Vietinbank (-375 điểm cơ bản), nhưng tăng mạnh tại MB (+469 điểm cơ bản), OCB (+215 điểm cơ bản), TPBank (+132 điểm cơ bản) và VIB (+34 điểm cơ bản).
Rủi ro nợ xấu tiềm ẩn cuối năm
SSI Research dự báo, NIM quý IV/2024 vẫn còn gặp áp lực, tiếp tục thu hẹp trong 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, quý IV thường là thời điểm các ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu. Do đó, có khả năng tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ giảm còn 1,89% trong quý IV/2024.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn tồn tại một số rủi ro tín dụng tiềm ẩn liên quan đến cho vay mua nhà, các chủ đầu tư bất động sản và ngành năng lượng tái tạo. Nhờ sự phục hồi gần đây của thị trường bất động sản, đặc biệt tại khu vực miền Bắc, dư nợ cho vay đối với các chủ đầu tư bất động sản, các công ty xây dựng và cho vay mua nhà đã tăng mạnh tại những ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với ngành Bất động sản, bao gồm Techcombank, MB, VPBank, HDBank, TPBank và MSB.
SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn Ngành sẽ đạt 14,5% trong quý IV/2024 và đạt 13,3% cả năm 2024. Mặc dù nền kinh tế đang dần phục hồi nhưng SSI Research cho rằng, nhu cầu tín dụng vẫn chậm và chưa đồng đều, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ. Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng đã ra mắt nhiều gói hỗ trợ với lãi suất cho vay thấp.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chỉ cải thiện vào thời điểm cuối tháng hoặc cuối quý, nên cũng không đóng góp quá nhiều cho thu nhập lãi. Ngoài ra, ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng lãi suất cho vay do cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trở lại.
Trong một số trường hợp, ngân hàng đã phải cơ cấu lại lịch thanh toán ban đầu để phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng. Do đó, dự báo NIM sẽ giảm khoảng 7 điểm cơ bản so với cùng kỳ, xuống 3,48% trong năm 2024.
Sang năm 2025, với kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ mạnh mẽ hơn, SSI Research tin rằng, các ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội hơn để tăng dần lãi suất cho vay và bắt kịp với mức tăng của lãi suất huy động. Tuy nhiên, cạnh tranh về mặt lãi suất vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2025, nhưng sẽ phần nào bớt gay gắt so với hiện tại. Như vậy, NIM sẽ cải thiện nhẹ 4 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 3,52%.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ hình thành nợ xấu đã đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2024, do đó, sẽ giúp ngân hàng có nhiều dư địa hơn để cải thiện chất lượng tài sản trong năm 2025. Cụ thể, SSI Research kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt 1,76% trong năm 2025 và dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 17,9% so với cùng kỳ trong năm 2025.
Theo Tạp chí Tài chính