Các bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài còn lại hầu hết đều mua Bảo hiểm Du lịch và được các hãng này chi trả chi phí điều trị COVID-19 tại Việt Nam.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trung bình chi phí điều trị cho 1 bệnh nhân người nước ngoài tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 ở mức 20-45 triệu đồng.
Bệnh viện sẽ không trừ trực tiếp số tiền bảo hiểm ngoài chi trả vào viện phí như một số bệnh viện quốc tế, mà bệnh viện làm báo cáo y tế và gửi thông tin chi phí chi tiết cho đại diện hãng bảo hiểm, sau đó hãng bảo hiểm sẽ xác nhận số tiền họ trả cho bệnh nhân là bao nhiêu và bệnh nhân phải trả bao nhiêu. Ngoài ra các hãng bảo hiểm cũng chi trả cả chi phí gia hạn visa cho bệnh nhân.
Hiện tại, mức chi phí cao nhất của các bệnh nhân nước ngoài điều trị tại Việt Nam là BN26 điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương được bảo hiểm thanh toán 538 triệu đồng; BN023 được thanh toán 284 triệu đồng và BN30 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế được thanh toán 2,3 tỷ đồng.
Tiểu Ban điều trị cũng cho biết, tính đến nay, tại Việt Nam đã có 49/50 bệnh nhân quốc tịch nước ngoài được công bố khỏi bệnh. Hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh vẫn trong tình trạng nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hiện tại, BN91 đã được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị cho biết, tiên lượng còn nặng dù đã ngưng được ECMO, tuy nhiên bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Tới sáng 8/6, bệnh nhân 91 đã giảm sốt, đáp ứng với kháng sinh. Bệnh nhân tỉnh táo, sức cơ toàn thân cải thiện dần, 2 chân còn yếu 2/5. Sức cơ hô hấp của bệnh nhân còn yếu, cần mức hỗ trợ áp lực 15 cmH2O để có được thông khí phổi đạt mục tiêu điều trị (khi mức hỗ trợ áp lực còn 7 cmH2O, có thể ngưng thở máy).
Tình trạng chướng bụng của bệnh nhân giảm, đã bắt đầu cho ăn qua đường tiêu hoá lại. Bệnh nhân cũng đang được chuẩn bị để tập cai thở máy dần.
Đặc biệt, phổi phục hồi được gần 60% (so với 10% vùng phổi hoạt động từ ngày 12/5, bệnh nhân đã có sự hồi phục "thần kỳ"). Chức năng thận hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng lọc máu 12 ngày.
Bệnh nhân đang được tập cai máy thở dần, kháng sinh, kháng đông và dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Các bác sĩ cũng tiến hành tập vật lý trị liệu cho người bệnh 2 lần/ngày, điều chỉnh nước điện giải và săn sóc vết loét cùng cụt.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 82 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, đồng thời cũng đã được hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.
Cũng theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, vào chiều nay (8/6), đã ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm tại Việt Nam lên 332 trường hợp.
BN332 là nam giới, 18 tuổi; địa chỉ xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Ngày 25/5, bệnh nhân từ Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và được cách ly tập trung ngay tại Trung tâm Y tế huyện này.
Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 26/5 âm tính với SARS-CoV-2, kết quả xét nghiệm lần 2 (khi chuẩn bị rời khu cách ly tập trung) ngày 7/6 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Theo Bizlive