Hạn mức bảo hiểm tiền gửi: Công cụ gìn giữ niềm tin của người gửi tiền

NHVN 11:06 03/06/2020

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được áp dụng từ 2017 đã tới thời điểm các cơ quan quản lý cần điều chỉnh phù hợp thực tế.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Số tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

Việc rà soát, đánh giá tính phù hợp của hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay là hết sức cần thiết.

Ngày 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm, điều chỉnh hạn mức từ 50 triệu đồng/người gửi tiền/một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng/người gửi tiền/một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Quyết định nói trên được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi khả quan sau giai đoạn khó khăn 2008 - 2012, triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn tích cực với đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Đồng thời, hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về quy mô vốn cũng như tài sản, các chỉ số sinh lời ngày càng được cải thiện, thanh khoản được đảm bảo. Ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai thực hiện Đề án 254 về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng với 4 nhóm nội dung chính gồm sắp xếp lại các thành viên trong hệ thống, cơ cấu lại về tài chính, về hoạt động và về quản trị.

Ở thời điểm đó, theo số liệu khảo sát của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam vào giữa năm 2016, với hạn mức 75 triệu đồng, số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ là 87,32%, tiệm cận với thông lệ quốc tế là trên 90%. Đồng thời, với hạn mức mới, số tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ chiếm 20% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trên toàn hệ thống, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, sau 3 năm áp dụng, tới nay, các điều kiện kinh tế vĩ mô liên quan đến hạn mức trả tiền bảo hiểm như GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lãi suất… có nhiều thay đổi. Hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về quy mô vốn cũng như tài sản, đảm bảo nhiệm vụ lưu thông vốn và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Tình hình tiền gửi được bảo hiểm cũng đã có những thay đổi đáng kể.

Các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thay đổi theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Các nhiệm vụ mới của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tập trung vào việc tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu trước mắt tập trung đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, cũng như bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân gửi tiền.

Tại Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các quỹ tín dụng nhân dân; cho vay đối với quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong hai năm vừa qua đã tăng đáng kể, tính từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2019, Quỹ dự phòng nghiệp vụ tăng từ 30,71 nghìn tỷ đồng lên 53,30 nghìn tỷ đồng, tổng nguồn vốn tăng từ 36,65 nghìn tỷ đồng lên 59,51 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn tích lũy quan trọng đảm bảo việc triển khai nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Ngoài ra, qua tiếp xúc với người gửi tiền được bảo hiểm và các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, nhiều ý kiến cho rằng hạn mức 75 triệu đồng hiện tại là thấp và kiến nghị điều chỉnh tăng lên. Tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi sẽ giúp các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thu hút được tiền gửi của người dân và người dân yên tâm gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Vì vậy, việc rà soát, đánh giá tính phù hợp của hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay là hết sức cần thiết nhằm phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tín dụng và đảm bảo sự phát triển an toàn hoạt động ngân hàng.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/han-muc-bao-hiem-tien-gui-cong-cu-gin-giu-niem-tin-cua-nguoi-gui-tien-102495.html

Bạn đang đọc bài viết Hạn mức bảo hiểm tiền gửi: Công cụ gìn giữ niềm tin của người gửi tiền tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết