Ông Nguyễn Văn Thắng công tác tại đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ về chi thường xuyên. Đơn vị ông có nguồn thu không ổn định nên cuối năm đơn vị mới xác định được lợi nhuận để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ. Năm 2019, đơn vị đã hạch toán chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ vào ngày 31/12/2019 và thực chi cho cán bộ vào tháng 1/2020.
Ông Thắng hỏi, khoản chi thu nhập tăng thêm như trên được tính vào thu nhập chịu thuế của năm 2019 hay của tháng 1/2020?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân:
“2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế…”
- Căn cứ khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính:
“3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16
2. Khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công
...a.3) Khai quyết toán thuế
Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo...
a.4) Ủy quyền quyết toán thuế
a.4.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:
- Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 (mười hai) tháng trong năm
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 (mười hai) tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này
...b.2.2) Đối với cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay
Cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thay theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC, kèm theo bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có)...”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp đơn vị ông Thắng chi trả khoản thu nhập tăng thêm năm 2019 cho cán bộ vào tháng 1/2020 thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của tháng 1/2020 theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.
Cuối năm, nếu có số thuế thu nhập cá nhân nộp thừa, cán bộ của đơn vị có thể quyết toán thuế thu nhập cá nhân trực tiếp với cơ quan thuế hoặc làm giấy ủy quyền theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN gửi đơn vị quyết toán thuế thay (nếu thuộc đối tượng được ủy quyền quyết toán thuế TNCN theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC nêu trên) để hoàn lại số thuế nộp thừa theo quy định.
Theo Báo Chính Phủ