Hiện cả nước có 125,5 triệu thuê bao di động, nếu 30% số thuê bao này sử dụng dịch vụ Mobile Money và chi tiêu 10 triệu đồng/tháng (hạn mức tối đa dự kiến), thì dòng tiền chảy qua Mobile Money lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng/tháng. Còn nếu mỗi chủ tài khoản chỉ chi tiêu 100.000 đồng/tháng, con số này cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Sự khác biệt của Mobile Money với ví điện tử là không liên kết với tài khoản ngân hàng, mà chỉ cần tài khoản viễn thông. Nếu vậy, ai sẽ quản lý số tiền này?
Hiện NHNN vẫn chưa công bố chi tiết Dự thảo Đề án Mobile Money. Ảnh minh họa |
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, phía ngân hàng vẫn cần quản lý dòng tiền này, để đảm bảo các nhà mạng không sử dụng đầu tư, kinh doanh, chỉ phục vụ nhu cầu thanh toán, chuyển tiền của khách hàng. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để dòng tiền từ Mobile Money không chảy vào các kênh phạm pháp như đánh bạc, rửa tiền, buôn lậu…
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) nêu quan điểm: “Công ty viễn thông định danh khách hàng thì dòng tiền trong Mobile Money cũng nên có cơ chế giám sát và để các công ty này tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Hiện NHNN vẫn chưa công bố chi tiết Dự thảo Đề án Mobile Money, song nhiều chuyên gia dự đoán, cơ quan quản lý sẽ buộc nhà mạng tách bạch tài khoản viễn thông và tài khoản Mobile Money.
Nói nôm na, tài khoản viễn thông trước đây giống như cái ví có một ngăn (thanh toán cước dịch vụ viễn thông), thì nay giống ví hai ngăn - thêm một ngăn nữa đựng tiền thanh toán, chuyển khoản.
Với số tiền của khách hàng nạp vào tài khoản Mobile Money để chờ thanh toán, nhà mạng cũng không thể lấy ra để kinh doanh.
Ông Lê Đình Ngọc, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) khẳng định, với số tiền của khách hàng đưa vào tài khoản Moblie Money, nhà mạng bắt buộc phải chuyển 100% sang ngân hàng để ký quỹ theo tỷ lệ 1:1 nhằm đảm bảo khả năng thanh toán, chỉ được sử dụng vào mục đích thanh toán, chuyển khoản của khách hàng.
Vũ Đậu (TH)/SHTT