Lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm đang phân hóa mạnh?

NHVN 13:44 21/05/2020

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý I/2020 với nhiều sản phẩm bảo hiểm phong phú đáp ứng nhu cầu người dân trước tình hình dịch bệnh sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm gia tăng lợi nhuận

Tăng chi phí hoạt động kéo giảm lợi nhuận của một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (Ảnh minh hoạ: Internet).

Hiện, thị phần của 5 doanh nghiệp đầu ngành chiếm hơn 60%, và đang tiếp tục gia tăng. Cụ thể, Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt (BVH) và Công ty cổ phần Bảo hiểm PVI (PVI) đang là 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần với lần lượt 22% và 15,2%, theo sau là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với 10,1%.

Lợi nhuận ra sao trong quý I/2020?

Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của các doanh nghiệp bảo hiểm, một số "ông lớn" đang có sự sụt giảm về lợi nhuận, trong khi các doanh nghiệp nhỏ ghi nhận mức lợi nhuận tăng cao.

Điển hình, trong quý I, doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm của BIC tăng từ mức 366 tỷ đồng lên 383 tỷ đồng. Chốt quý, lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất của BIC lần lượt tăng trưởng 25% và 19% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả, BIC báo lãi trước thuế 84,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng.

Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt trên 669 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế hơn 42 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận tăng nhẹ, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có BHV, PVI, BMI... Chẳng hạn, BVH báo lãi sau thuế hợp nhất đạt 115 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, lợi nhuận gộp của hoạt động bảo hiểm ghi nhận âm 163 tỷ đồng. Lợi nhuận hoạt động tài chính giảm gần 5% xuống 1.279 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính riêng lẻ quý I/2020 của PVI cho thấy doanh thu tăng 51% lên 79 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 2% lên 170 tỷ đồng.

Còn Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), tuy doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 đạt hơn 944,5 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 40,9 tỷ đồng, giảm 12%.

Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông cũng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Còn Bảo hiểm Quân đội (MIC) đạt 28,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số của cùng kỳ là 29,6 tỷ đồng. Hay lợi nhuận sau thuế của Bảo hiểm Bảo Long chỉ đạt 13,8 tỷ đồng, giảm mạnh tới 70% so với cùng kỳ năm 2019.

Chi phí tăng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận

Trong những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp bảo hiểm "ăn đậm" nhờ bán bảo hiểm dịch bệnh. Thậm chí, một số công ty nghiên cứu thị trường đưa ra nhận định bảo hiểm phi nhân thọ còn giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục xu hướng tăng trưởng tốt mảng bảo hiểm cá nhân (con người và xe cơ giới).

Tuy nhiên, nhận định về kỳ vọng năm 2020, Công ty Chứng khoán BSC cho rằng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng trưởng ở mức 11%, thấp hơn mức 11,6% trong năm 2019. Dẫu vậy, BSC đánh giá lợi nhuận ngành bảo hiểm sẽ giảm tốc so với tốc độ tăng trưởng năm 2019 do tình trạng cạnh tranh cao cũng như tỷ lệ kết hợp ở mức cao khiến lợi nhuận cốt lõi đóng góp không nhiều.

Thực tế, trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) về biến động kết quả kinh doanh quý I/2020, BMI cho biết, lợi nhuận sau thuế quý đầu năm nay giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019 do thị trường chứng khoán biến động xấu, giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư của BMI giảm mạnh, dẫn đến tăng đột biến chi phí trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Trong khi đó, Bảo hiểm Viễn Đông cũng lý giải sự sụt giảm lợi nhuận do chi phí hoạt động kinh doanh tăng. Cụ thể, chi phí của doanh nghiệp này trong quý tăng từ 341 tỷ đồng lên tới 366 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm hơn 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Lợi nhuận sau thuế của Bảo hiểm Bảo Long giảm mạnh trong kỳ do doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm, trong khi tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng, lợi nhuận tài chính bị lỗ nhiều dẫn đến lợi nhuận "bốc hơi" đến 70%.

BSC cho rằng trong năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn sẽ tiếp tục tăng trưởng về phí gốc từ 12%-13%. Tuy nhiên, tỷ lệ kết hợp của toàn ngành đang ở mức cao (khoảng 98%) làm giảm mức tăng trưởng và tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động cốt lõi.

“Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2020, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên chi phí đền bù có xu hướng gia tăng khiến tỷ lệ kết hợp sẽ tiếp tục giữ ở mức 97% - 98%”, BSC cho hay.

Theo Huyền Anh/Thời báo Kinh doanh

Link gốc : https://thoibaokinhdoanh.vn/bao-hiem/loi-nhuan-cua-doanh-nghiep-bao-hiem-dang-phan-hoa-manh-1068685.html

Bạn đang đọc bài viết Lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm đang phân hóa mạnh? tại chuyên mục Bảo hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo hiểm