Trong những năm gần đây, vấn đề cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, thể hiện qua các văn bản như: Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thêm những nhiệm vụ mới |
Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam được phép tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, được thực hiện hoạt động mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ và cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Các nhiệm vụ này sẽ có ảnh hưởng đến việc sử dụng vốn từ đó ảnh hưởng đến thu nhập, chi phí của BHTG Việt Nam. Vì vậy, trên cơ sở các quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2020/TT-BTC ngày 1/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với BHTG Việt Nam.
Đối với nhiệm vụ mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng quy định BHTG Việt Nam được mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (khoản 27 Điều 1 sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 146; khoản 28 Điều 1 bổ sung khoản 11 Điều 148đ Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng) nhưng không quy định cụ thể nguồn vốn sử dụng và xử lý rủi ro trong việc mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ này.
Đối với nhiệm vụ cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng quy định BHTG Việt Nam được cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% từ quỹ dự phòng nghiệp vụ (Khoản 28 Điều 1 bổ sung điểm đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 148b Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng) và cho phép BHTG Việt Nam được hạch toán giảm Quỹ dự phòng nghiệp vụ để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được (khoản 28 Điều 1 bổ sung khoản 3 Điều 148b Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng).
Do đó, đối với các nhiệm vụ mới (gồm: mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ và cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) của BHTG Việt Nam, Thông tư số 20/2020/TT-BTC đã quy định theo hướng:
Thứ nhất, việc mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ được lấy từ vốn hoạt động của BHTG Việt Nam và xử lý rủi ro trong việc mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định chung của doanh nghiệp về trích lập dự phòng tài chính đối với các khoản đầu tư tài chính. Phần chênh lệch giữa giá bán và giá vốn (chênh lệch dương hoặc chênh lệch âm sau khi đã được xử lý từ khoản dự phòng rủi ro theo quy định) của trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ được hạch toán vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.
Thứ hai, việc cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được hạch toán giảm Quỹ dự phòng nghiệp vụ để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được và khoản thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được theo dõi riêng trong Quỹ dự phòng nghiệp vụ để là nguồn bù đắp tổn thất.
Ngoài ra, Thông tư số 20/2020/TT-BTC cũng đã rà soát và sửa đổi lại những quy định tại Thông tư số 312/2016/TT-BTC cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Thông tư số 20/2020/TT-BTC được ban hành là cơ sở pháp lý về tài chính đối với nhiệm vụ mới của BHTG Việt Nam và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2020.
Theo Thời báo Ngân hàng