Trường Thịnh Phát Group: Đế chế địa ốc của đại gia Nam 'dầu'

VIETTIMES 13:53 03/11/2020

Nổi danh với cái tên Nam "dầu" nhưng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của của đại gia Nguyễn Quốc Nam lại thể hiện kết quả khá khiêm tốn, ít nhất là trên báo cáo tài chính.

Biệt danh Nam “dầu” của vị doanh nhân nổi tiếng xứ Nghệ - ông Nguyễn Quốc Nam - phần nào cho thấy địa hạt kinh doanh làm nên tên tuổi vị đại gia này: Xăng dầu, với đầu mối là CTCP Thương mại Xây lắp và Xuất nhập khẩu Miền Trung (XNK Miền Trung) - nơi ông Nam giữ ghế Chủ tịch HĐQT.

Công ty này được thành lập vào tháng 4/2012, đăng ký trụ sở chính đặt tại số 276, đường Trần Phú, Tp. Vinh, Nghệ An và có chi nhánh tại Hà Tĩnh.

Vị doanh nhân sinh năm 1970 còn là người đại diện của CTCP Thương mại Xăng dầu Gia Khang, thành lập sớm hơn XNK Miền Trung khoảng 2 năm, song đã bị khoá mã số thuế.

Kho xăng dầu Xuân Giang

Theo tìm hiểu của VietTimes, Chi nhánh XNK Miền Trung tại Hà Tĩnh là chủ đầu tư dự án “Đầu tư xây dựng bến cảng xăng dầu Xuân Giang tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân” hay còn được biết tới với tên gọi Kho trung chuyển và cấp phát xăng dầu Xuân Giang (Kho xăng dầu Xuân Giang).

Dự án được xây dựng trên tổng diện tích 14.075 m2, với các hạng mục chính bao gồm: Kho xăng dầu có sức chứa 9.000 m3 (trong đó có 3.000 m3 dầu DO, 3.000 m3 xăng 92 và 3.000 m3 xăng 95); Cảng tiếp nhận xăng dầu cho phép tiếp nhận các phương tiện vận tải thuỷ có trọng tải đến 1.000 DWT.

Kho xăng dầu Xuân Giang đã được Bộ Công thương bổ sung quy hoạch tại Quyết định số 2412/QĐ-BCT ngày 17/5/2011 và rục rịch triển khai sau đó.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản số 3882/UBND-TM, trong đó “phê bình” chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc, chưa đầy đủ các quy định của pháp luật trong đầy tư và xây dựng.

Cụ thể, văn bản được ông Võ Kim Cự ký nêu rõ, Chi nhánh XNK Miền Trung tại Hà Tĩnh đã xây dựng các hạng mục khi chưa đầy đủ thủ tục hồ sơ theo quy định, xây dựng các hạng mục khi chưa được cấp phép; xây dựng một số hạng mục công trình sai quy hoạch đã được duyệt (tăng 1 tầng đối với nhà điều hành, văn phòng làm việc, nhà cấp phát xăng dầu và tăng 2 bồn chứa đối với bồn chứa xăng dầu).

Đáng chú ý, dự án vẫn chưa được bổ sung vào Quy hoạch nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ (nhóm 2) giai đoạn đến 2020, định hướng đến năm 2030; chưa lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường khu vực cầu cảng và đường giao thông nối khu vực kho đến Quốc lộ 8B, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt.

Nếu dự án không được bổ sung vào quy hoạch nhóm cảng biển Bắc Trung bộ của Bộ GTVT, hoàn thành các hạng mục và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động trước 31/12/2015 thì UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ thu hồi chủ trương, chấm dứt hoạt động dự án.

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, đến ngày 31/3/2015, dự án này mới được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khi đó, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung bộ (nhóm 2) phải tới tận ngày 29/7/2016 mới được Bộ GTVT phê duyệt.

Đầu năm 2020, khi người dân phát hiện vết dầu loang tràn dọc bờ Sông Lam gần kho xăng dầu Xuân Giang, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gấp rút phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại kho trung chuyển và cấp phát xăng dầu này.

Ngoài dự án này, XNK Miền Trung cũng từng được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho khảo sát địa điểm lập quy hoạch xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại xã Trung Lễ và Đức Châu, huyện Đức Thọ, song chưa rõ kết quả.

Trường Thịnh Phát Group: Đế chế địa ốc của đại gia Nam

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, kết quả kinh doanh trong 4 năm gần đây của Chi nhánh XNK Miền Trung tại Hà Tĩnh đi xuống rõ rệt. Trong hai năm gần nhất, đơn vị này liên tiếp báo lỗ, số lỗ qua các năm càng lớn.

Thực trạng này của Chi nhánh XNK Miền Trung tại Hà Tĩnh giai đoạn trước đó còn ảm đạm hơn nhiều. Bởi tại ngày 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của đơn vị này đã âm tới 10,63 tỉ đồng.

Hệ quả là kết quả kinh doanh của XNK Miền Trung cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Trong 4 năm gần nhất, công ty này cũng chẳng thể báo lãi.

Trường Thịnh Phát Group: Đế chế địa ốc của đại gia Nam

Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của XNK Miền Trung lần lượt đạt 21,27 tỉ đồng và 1,22 tỉ đồng; lỗ thuần tương ứng ở mức 912 triệu đồng và 1,27 tỉ đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của XNK Miền Trung đạt 1,18 tỉ đồng, giảm 46% so với năm trước; lỗ thuần ở mức 1,63 tỉ đồng, trong khi năm 2018 cũng lỗ tới 6 tỉ đồng.

Trong số nhiều đại gia xăng dầu mà VietTimes từng đề cập, trường hợp như XNK Miền Trung không còn quá xa lạ. Chỉ có điều, càng thua lỗ, hoạt động đầu tư của giới chủ vào lĩnh vực khác, đặc biệt là địa ốc, càng được đẩy mạnh. (Mời đọc thêm: Hé lộ sản nghiệp của ông trùm xăng dầu Ngô Văn Phát)

Trường Thịnh Phát Group

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới trọng điểm đầu tư mới của đại gia Nam "dầu", là bất động sản. Trong đó, đóng vai trò hạt nhân là CTCP Trường Thịnh Phát (TTP Group).

Theo tìm hiểu của VietTimes, TTP Group được thành lập vào tháng 12/2010, với vốn điều lệ 250 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Quốc Nam (nắm giữ 30% VĐL), ông Trần Tiến Dũng (nắm giữ 30% VĐL) và ông Nguyễn Thế Trâm (nắm giữ 40% VĐL).

Đến ngày 18/6/2018, ông Nguyễn Thế Trâm thoái toàn bộ số vốn góp tại TTP Group, đồng thời tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Quốc Nam tăng lên 69%, qua đó trở thành cổ đông lớn nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp này.

Cổ đông còn lại, ông Trần Tiến Dũng (SN 1971) là một doanh nhân đồng hương kỳ cựu, ông chủ Tập đoàn An Hưng hoạt động kinh doanh tại Nghệ An.

Tham gia vào thị trường địa ốc từ năm 2012 với dự án Khu biệt thự liền kề Trường Thịnh Phát thuộc địa bàn phường Hà Huy Tập, TP. Vinh. Tuy nhiên, phải đến năm 2018, khi dự án này cơ bản được hoàn thành thì TTP Group mới bắt đầu thu về những "quả ngọt" đầu tiên.

Trường Thịnh Phát Group: Đế chế địa ốc của đại gia Nam

Cụ thể, năm 2018 và 2019, doanh thu thuần của TTP Group lần lượt đạt 198 tỉ đồng và 176 tỉ đồng, khoản lãi thuần tương ứng là 8,29 tỉ đồng và 6,97 tỉ đồng. Trước đó, năm 2016 và 2017, doanh nghiệp này không phát sinh doanh thu và báo lỗ lần lượt 582 triệu đồng và 2,8 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của TTP Group đạt 392 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 263 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 51% và 2,7% so với thời điểm đầu năm.

Quá trình tích luỹ quỹ đất cũng được vị doanh nhân sinh năm 1970 đẩy mạnh. Tháng 1/2019, ông Nguyễn Quốc Nam (đại diện cho TTP Group) đã đấu giá thành công hơn 5.000 m2 “đất vàng” tại số 58 Lê Hồng Phong, TP. Vinh với số tiền 152,8 tỉ đồng. Lô đất này trước đó do Trường Trung cấp nghề Công nghệ và truyền thông Nghệ An quản lý, sử dụng.

Ngoài địa bàn tỉnh Nghệ An, tháng 8/2019, TTP Group còn trúng thầu dự án Khu đô thị mới Hữu Lũng (Lạng Sơn) với quy mô 52,3 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.200 tỉ đồng.

Được biết, TTP Group đã vượt qua 2 nhà đầu tư là Liên danh CTCP Long Thuận Lộc – CTCP Đầu tư Hoàng Nhất Nam; và CTCP Tổng công ty MBLand (MBLand). Đáng chú ý, MBLand chính là đơn vị lập quy hoạch dự án này.

Chỉ trước đó vài tháng, TTP Group đã góp vốn cùng 2 cổ đông cá nhân khác là Tăng Ngọc Nho và Trần Văn Thể với tỷ lệ góp vốn 55:25:20 thành lập CTCP Trường Thịnh Phát Lạng Sơn.

Cập nhật tới tháng 6/2020, ông Nguyễn Quốc Nam hiện là Chủ tịch HĐQT, còn ông Nguyễn Văn Thể (SN 1982) làm Tổng Giám đốc của Trường Thịnh Phát Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Văn Thể, từ tháng 6/2019, còn được bổ nhiệm làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Sinh thái biển Hội An thay thế cho bà Lại Thị Lam (SN 1973).

Sau thay đổi lãnh đạo cấp cao, CTCP Sinh thái biển Hội An dời địa chỉ trụ sở chính về Lô 1056, đường Âu Cơ, Phường Cửa Đại, Tp. Hội An. Đây chính là trụ sở cũ của Công ty TNHH Du lịch sinh thái biển Hội An - chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái biển Hội An tại phường Cửa Đại, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, tại Phú Quốc, TTP Group cũng đang phát triển dự án Tổ hợp thương mại, nhà ở biệt thự Capital Compex với quy mô khoảng 88,8 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 5.000 tỉ đồng.

Tháng 3/2020 mới đây, CTCP Trường Thịnh Phát – Hà Nội (một thành viên của TTP Group) do ông Nguyễn Quốc Nam là Tổng giám đốc cũng đấu giá thành công 147 lô đất với tổng diện tích 13.770 m2 tại Khu nhà ở phường Đình Bảng (Bắc Ninh), với số tiền đấu giá hơn 93 tỉ đồng.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hạnh - một người thân của ông Nguyễn Quốc Nam - từng là cổ đông của CTCP Vinaminco - Ninh Thuận. Công ty này là chủ đầu tư Nhà máy chế biến Pigment-Titan công suất 30.000 tấn/năm tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Tuy nhiên, vào năm 2014, sau khi dự án được đồng ý chủ trương về địa điểm đầu tư, bà Hạnh đã triệt thoái vốn khỏi doanh nghiệp này./.

Link gốc : https://viettimes.vn/truong-thinh-phat-group-de-che-dia-oc-cua-dai-gia-nam-dau-post139922.html

Bạn đang đọc bài viết Trường Thịnh Phát Group: Đế chế địa ốc của đại gia Nam 'dầu' tại chuyên mục Big Corp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Big Corp