Sở GDCK TP. Hà Nội vừa có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết đối với cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank). Số lượng cổ phiếu niêm yết là 444.963.567 cổ phiếu, tương đương giá trị chứng khoán giao dịch là hơn 4.449 tỷ đồng.
VietABank được thành lập từ năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 76 tỷ đồng. Đến nay, sau 18 lần tăng vốn ngân hàng đã đạt vốn điều lệ 4.449,635 tỷ đồng bằng các hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho cổ đông chiến lược, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, trái phiếu chuyển đổi.
VietABank của Chủ tịch Phương Hữu Việt được chấp thuận niêm yết |
Tính đến ngày 25/6/2021, VietABank có 1.913 cổ đông và toàn bộ đều là cổ đông trong nước. Trong đó, có hai cổ đông nhà nước chiếm 3,74% vốn điều lệ ngân hàng, 32 cổ đông tổ chức (32,16%) và 1.879 cổ đông cá nhân (64,1%).Trong năm 2021, VietABank có kế hoạch tăng thêm 950 tỷ đồng vốn điều lệ, lên mức gần 5.400 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu bằng nguồn lợi nhuận để lại năm 2020.
VietABank có hai cổ đông lớn là là CTCP Rạng Đông và CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 7,35% và 12,21%.
Hội đồng quản trị của VietABank có 6 thành viên gồm Chủ tịch HĐQT Phương Hữu Việt, Phó chủ tịch HĐQT Phan Văn Tới, 4 thành viên là ông Trần Tiến Dũng, ông Nguyễn Hồng Hải, ông Nguyễn Văn Trọng và ông Phương Thanh Long.
Trong đó, ông Phương Hữu Việt là lãnh đạo sở hữu nhiều cổ phần nhất tại ngân hàng với hơn 22,631 triệu cổ phần, tương ứng với 5,06% vốn điều lệ của ngân hàng.
Ông Phương Hữu Việt sinh năm 1964, quê quán Bắc Ninh. Ông là tiến sỹ kinh tế, đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong quản lý kinh tế. Ông Việt đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT VietABank từ tháng 8 năm 2011.
Ông Việt còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, tổ chức sở hữu hơn 54,316 triệu cổ phần tại VietABank, tương ứng 12,21% vốn điều lệ của ngân hàng.
Như vậy, nếu tính cả lượng cổ phần do Việt Phương sở hữu, Chủ tịch Phương Hữu Việt nắm giữ tới 17,27% vốn điều lệ của VietABank.
Ngoài ông Việt, cháu gái ruột của ông là bà Phương Thanh Nhung (sinh năm 1981) cũng sở hữu hơn 14 triệu cổ phiếu VAB, tương ứng 3,14% vốn điều lệ. Chồng bà Nhung, ông Trần Việt Anh cũng nắm giữ hơn 7,5 triệu cổ phần tại ngân hàng này.
Nói thêm về Tập đoàn đầu tư Việt Phương của ông Phương Hữu Việt, tập đoàn này ở hữu một danh mục các dự án thủy điện như: Thủy điện Nậm Be (Tân Uyên, Lai Châu); Thủy điện Tà Niết (Mộc Châu, Sơn La); Thủy điện Mường Mươn và Thủy điện Huổi Vang (Mường Chà, Điện Biên); Thủy điện Chấn Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái), Thủy Điện A Vương 3 và 5 (Đông Giang, Quảng Nam).
Bên cạnh đó, Việt Phương là cổ đông của CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh – chủ sở hữu nhiều dự án thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên như: Tà Vi, Đăk Bla 1, Đăk Ne, Đăk Pia.
Việt Phương còn sở hữu mỏ cát trắng 406,36 ha tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, công suất từ 0,5-1 triệu tấn/năm; sở hữu CTCP Vàng Vaco
Ngoài ra, đế chế Việt Phương còn phủ bóng tới một số dự án bất động sản và một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ.
Ông Phương Hữu Việt từng là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ucraina, Đại biểu quốc hội các khóa X, XI, XII và XIII.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021 của VietABank cho thấy, ngân hàng lãi trước thuế 125 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ 2020. Dư nợ cho vay khách hàng ở mức gần 50.510 tỷ đồng, tăng 4,4%; số dư tiền gửi khách hàng ở mức hơn 63.000 tỷ đồng, tăng 6,3%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,19%.
Theo Doanh nhân Việt Nam