Bên lề phiên họp ĐHCĐ thường niên 2020 của VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT, có những chia sẻ về hoạt động hỗ trợ của ngân hàng trong dịch Covid-19 và kế hoạch tăng vốn trong năm 2020.
- Quá trình tăng vốn của VietinBank đang diễn ra như thế nào?
- Tăng vốn là một vấn đề rất quan trọng với VietinBank để ngân hàng tiếp tục phát triển kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận. Chúng tôi đã xây dựng phương án tăng vốn và trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Về mặt chủ trưởng đã được thông qua, các cơ quan liên quan đang hoàn tất thủ tục, sửa đổi nghị định để ngân hàng có thể triển khai phù hợp với quy định pháp luật.
Sau khi quá trình pháp lý hoàn tất, VietinBank trước mắt sẽ sử dụng nguồn lợi nhuận của năm 2017-2018 đã trừ đi khoản nộp vào quỹ, nộp thuế cho Nhà nước để tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 7.000-8.000 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng đang trình phê duyệt tiếp tục sử dụng lợi nhuận năm 2019 để tăng vốn cho giai đoạn tiếp theo. Điều này tạo ra lượng vốn tự có cần thiết để VietinBank mở rộng quy mô tín dụng cho nền kinh tế, tăng trưởng quy mô huy động.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank. Ảnh: Lê Hải |
- Ngân hàng có tính đến phát hành riêng lẻ cho cổ đông mới và liệu có nới “room” để cháo bán tiếp cho khối ngoại?
- VietinBank hiện nay sẽ ưu tiên tăng vốn cùng các cổ đông hiện hữu và đặt lợi ích của các cổ đông gắn bó với ngân hàng lên trước tiên. Bên cạnh đó, nguồn lợi nhuận từ 2017-2018 có thể tạm thời đáp ứng nhu cầu tăng vốn của ngân hàng, nên sẽ được sử dụng trong giai đoạn này.
Về việc thí điểm nới “room”, hiện nay chưa có và tôi chưa nắm được thông tin nào của vấn đề này.
- Dù còn khó khăn do chưa thể tăng vốn, VietinBank vẫn hỗ trợ khách hàng như thế nào trong dịch Covid-19?
- Ngân hàng đã cùng khách hàng doanh nghiệp, cá nhân phân tích đánh giá các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, chủ động đưa ra biện pháp cơ cấu lại hoạt động. Chúng tôi cũng đưa ra nhiều chương trình tín dụng với mức lãi suất cho vay giảm mạnh so với trước dịch bệnh, đồng thời đưa ra nhiều chương trình để phát triển dịch vụ ngân hàng, để doanh nghiệp và người dân tiếp cận thuận tiện hơn với phí dịch vụ được miễn, giảm nhằm tiết kiệm chi phí.
Theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện theo Thông tư 01/2020, ngân hàng cũng đã cơ cấu nợ, giãn nợ kết hợp với miễn, giảm lãi đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ước tính những biện pháp này sẽ tác động đến lợi nhuận của ngân hàng, giảm 3.000-4.000 tỷ đồng trong năm 2020. Dù vậy, tôi cho rằng đây là bước đi cần thiết, chủ động với tinh thần trách nhiệm cao của Vietinbank, đóng góp vào quá trình hỗ trợ và hồi phục nền kinh tế. Đây là cũng là nền tảng để hoạt động ngân hàng nói chung và Vietinbank nói riêng tiếp tục phát triển trong tương lai.
- Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, đình trệ trong dịch Covid-19 có thể khiến nợ xấu tăng cao trong thời gian tới, VietinBank đánh giá như thế nào về việc này?
- Dịch Covid-19 tác động khiến nền kinh tế gặp khó khăn, gia tăng nợ xấu của nền kinh tế, điều này phản ánh qua sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng.
Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của nền kinh tế sẽ tăng lên. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đồng bộ nhiều biện pháp để cố gắng kiểm soát tình hình, hướng đến phát triển bền vững.
- Cảm ơn ông
Theo Người Đồng Hành