VietinBank luôn không ngừng nâng cao năng lực quản trị hướng tới các chuẩn mực và thông lệ tốt trong quản trị ngân hàng, cung cấp tín dụng lành mạnh và hướng đến tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2014, Vietinbank đã tích cực triển khai các dự án thuộc chương trình Basel II, đáp ứng thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro, quản lý vốn theo các chuẩn mực của Ủy ban Basel II và khu vực.
Phấn đấu đáp ứng tiêu chuẩn Basel II
Đại diện VietinBank khẳng định: “Trên cơ sở triển khai và ứng dụng các dự án Basel II vào hoạt động điều hành, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản VietinBank đã đáp ứng toàn diện các điều kiện theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin”.
Tuy nhiên, theo đại diện này, điều kiện “đủ” để một ngân hàng thương mại có thể đáp ứng được Basel II là có mức vốn tự có phù hợp với quy mô tăng trưởng tổng tài sản. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ nền kinh tế.
Đại diện VietinBank cho rằng tăng vốn điều lệ là cấp thiết. |
Tính từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của VietinBank không được bổ sung thêm. Hiện tại, tỷ lệ CAR của VietinBank mặc dù vẫn tuân thủ quy định hiện hành của NHNN tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Nhưng với năng lực vốn còn giới hạn, ngân hàng này đang đứng trước thách thức lớn trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngân hàng còn cần đảm bảo yêu cầu tỷ lệ CAR tối thiểu theo chuẩn mực Basel II quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và quy định về đánh giá nội bộ mức đủ vốn tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN (có hiệu lực từ 1/1/2021) trong bối cảnh vốn điều lệ chưa tăng.
Thời gian qua, VietinBank đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với các phương án được đề ra tại Quyết định 1058/QĐ-TTg cũng như các biện pháp cải thiện vốn từ nguồn lực nội tại. Trong đó, các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn gồm phát hành trái phiếu thứ cấp, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp vốn, điều chỉnh cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro, kiểm soát hệ số rủi ro bình quân góp phần giảm bớt áp lực tăng vốn.
“Căn cứ thực tế cấp tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và áp lực vốn để đảm bảo tuân thủ quy định của Basel II, yêu cầu tăng vốn của VietinBank là cấp thiết. Khác với các NHTM khác, VietinBank không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư. Do ngân hàng bị ràng buộc bởi các giới hạn về tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các NHTM cổ phần có vốn nhà nước không thấp hơn 65%; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%” - đại diện VietinBank chia sẻ.
Quy mô vốn luôn là cơ sở để xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vốn và là cơ sở xác định giới hạn cấp tín dụng… Do đó, việc tăng vốn của các ngân hàng là điều kiện tiên quyết để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh. Thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư, ngân hàng tăng cường khả năng cung ứng vốn tín dụng cho thị trường, góp phần thúc đẩy nền kinh tế.
32 năm phát triển bền vững
Trải qua 32 năm hình thành và phát triển, VietinBank luôn nỗ lực đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, tăng cường năng lực tài chính và quản trị ngân hàng. Từ đó, ngân hàng khai thác tốt tiềm lực và công nghệ, mở rộng phạm vi hoạt động phù hợp định hướng của ngành.
VietinBank cũng là một trong những thành viên tích cực đảm bảo sự ổn định của thị trường tiền tệ; sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng chú trọng đầu tư vốn cho các ngành nghề ưu tiên với lãi suất hợp lý, cử nhân sự tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém…
VietinBank đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ nền kinh tế. |
Đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và hạn hán, xâm ngập mặn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế, VietinBank đã nhanh chóng triển khai Thông tư 01, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với nhiều chính sách như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giảm phí...
Không chỉ là đơn vị kinh doanh, xuất phát điểm là một ngân hàng quốc doanh, VietinBank đã tham gia tích cực trong hoạt động cho vay hỗ trợ giảm nghèo, thực hiện các trách nhiệm xã hội và chia sẻ khó khăn với cộng đồng.
Theo Zing News